Nhận thấy khó khăn này, mới đây Bộ Tài chính đã tham mưu và được Chính phủ đồng ý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế suất xuống 15 - 17% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình DN…
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) nhận định, chủ trương giảm thuế thu nhập đối với DN là tốt nhưng chưa đủ. Trên thực tế, hiện nay, thuế suất đề xuất nêu trên dù đã giảm nhưng vẫn rất cao so với các nước trong khu vực. Tại Indonesia, DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỉ rupiah (khoảng gần 7,7 tỉ đồng) được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 1% tính trên doanh thu năm. DN có doanh thu từ 4,8 - 50 tỉ rupiah (80,8 tỉ đồng) được áp dụng thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỉ rupiah. Tại Thái Lan, điều kiện giảm thuế tính theo thu nhập chịu thuế thay cho doanh thu. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế theo năm từ 300.000 baht (khoảng 224 triệu đồng) trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 baht được áp dụng thuế suất 15% và trên 3.000.000 baht áp dụng thuế suất phổ thông 20%. Đặc biệt, trong năm 2016, Chính phủ nước này đã miễn hoàn toàn thuế thu nhập DN cho DNNVV.
Tại Singapore, các DNNVV chịu thuế suất 0% đối với thu nhập tính thuế theo năm không quá 100.000 SGD (khoảng 1,71 tỉ đồng), 8,5% đối với thu nhập tính thuế từ trên 100.000 SGD đến không quá 300.000 SGD. Tại Trung Quốc, các DN chỉ phải nộp thuế thu nhập ở mức 5% đối với 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,45 tỉ đồng) thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu nhân dân tệ thu nhập tính thuế tiếp theo.
Theo chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long, việc giảm thuế thu nhập DN sẽ là một công cụ, đòn bẩy tác động tích cực đến các DNNVV cũng như toàn bộ nền kinh tế, góp phần tăng sức cạnh tranh, tăng tích lũy cho DN tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Đồng thời với việc giảm thuế thu nhập DN, các chi phí liên quan cấu thành lên 1 sản phẩm cũng sẽ giảm kéo theo giá bán sản phẩm giảm, giúp cả người tiêu dùng và DN đều có lợi. Ngoài ra theo ông Long, khi chi phí giảm, lợi nhuận tăng, DN thoát khỏi khó khăn cũng sẽ nghiêm túc chấp hành tốt hơn nghĩa vụ thuế. Qua đó, tỷ lệ DN trốn thuế, nợ đọng thuế sẽ giảm, thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, số liệu của Hiệp hội DN Anh tại Việt Nam (BBGV) cho rằng chi phí thuế chiếm tới 38% lợi nhuận của DN tại VN, thực tế còn cao hơn do các rào cản "vô hình". Sở dĩ thuế chiếm tỷ lệ cao là do nhiều chi phí của DN không được chấp nhận đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã nhất trí với phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DNNVV. Đây là nghị quyết
để hướng dẫn luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có đưa ra đề xuất giảm thuế thu nhập DN về 15 - 17% từ mức 20% như hiện hành. Đối với thuế suất của toàn bộ các DN, lãnh đạo này nói: “Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến, ngoài dự thảo cho khu vực DNNVV, Bộ sẵn sàng tổng hợp, tiếp thu báo cáo Chính phủ với khó khăn của cộng đồng DN, đặc biệt thuế suất thuế thu nhập DN. Qua đó, tổng kết lại luật và sửa đổi để đáp ứng tình hình mới”.
Nên giảm thuế cho báo điện tử về 10%Theo PGS-TS Ngô Trí Long, kể từ năm 2013, Chính phủ đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ quan báo chí bằng chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN 10% cho cơ quan báo in. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan báo chí đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó hoạt động của báo điện tử phải chịu thuế suất 20% như các DN hoạt động trong các lĩnh vực khác. “Theo luật Báo chí thì báo chí là sản phẩm văn hóa; cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Theo tôi nên giảm chi phí đầu vào, giảm thuế cho báo điện tử về 10% chứ không thể tính như DN kinh doanh bình thường”, ông Long đề nghị.
|
Bình luận (0)