Bộ phim Mộng phù hoa (dài 36 tập) lấy đề tài thân phận trôi dạt của người phụ nữ để vẽ lên bức tranh xã hội của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây những năm 1930 - 1940. Ở đó, có sự đối lập giữa cuộc sống bần hàn, cơ cực của người dân nghèo với lối sống xa hoa, trụy lạc của giới điền chủ, công tử. Đan xen vào đó là những kẻ tráo trở, ăn bám trên thân xác kỹ nữ.
Nhà báo Nguyễn Chương là người đã chắp bút đưa một phần cuộc đời của những nguyên mẫu trong lịch sử lên màn ảnh.
Nhiều câu chuyện trong Mộng phù hoa được dựa trên cuộc đời của những nguyên mẫu trong lịch sử. Ông có gặp nhiều khó khăn khi đi tìm tư liệu về các nhân vật?
Tác giả Nguyễn Chương: Mộng phù hoa một phần dựa vào câu chuyện về cô Trần Ngọc Trà - người đẹp nổi danh hồi bấy giờ. Khi đọc Sài Gòn tạp pí lù của nhà nghiên cứu quá cố Vương Hồng Sển cùng những tư liệu khác, tôi đã rất muốn viết về nhân vật này. Chuyện về cô Trà chỉ chiếm vài trang trong biên khảo của cụ Sển, do đó, tôi mới nói là bộ phim chỉ có một phần rất ít dựa theo những tư liệu nghiên cứu để lại. Ngoài ra, những câu chuyện, giai thoại về Bạch công tử, Hắc công tử, tôi cũng cũng chỉ mượn vài chuyện trong cuộc đời của họ mà thôi.
Hẳn nhiên là có khó khăn. Nhưng với tôi, khó khăn không phải là để tìm tư liệu những nhân vật trên mà là khó khăn để tìm hiểu về bối cảnh Nam Kỳ nói chung, Sài Gòn nói riêng vào những thập niên đầu thế kỷ 20, đặc biệt là tìm hiểu về tính chất người Nam kỳ, người Sài Gòn thuở bấy giờ. Có điều, khó khăn không làm cho tôi ngại, mà ngược lại, bởi càng khó khăn càng khiến cho tôi cảm thấy càng thú vị. Trước khi phim đến với mọi người, lợi ích cho tôi là mình được khám phá về lịch sử.
|
Ông có thể chia sẻ những câu chuyện, giai thoại đặc biệt về những nhân vật nguyên mẫu được đưa vào Mộng phù hoa?
Thay cho việc trả lời câu hỏi này, tôi mong mọi người, nhất là các bạn trẻ, tìm đọc cuốn Giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh, một số biên khảo của cố nhà văn Sơn Nam, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển…. Ở đó, có vô vàn những câu chuyện thú vị để yêu lấy vùng đất phương Nam. Tôi tin, mỗi người sẽ rút ra những gì cần chiêm nghiệm, hữu ích và cũng rất thú vị.
Vì sao ông muốn mượn thân phận của người phụ nữ để "vẽ" lên bức tranh xã hội của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây những năm 1930 - 1940?
Trước đây, tôi đã từng viết kịch bản phim Lòng dạ đàn bà, Oan trái nghĩa tình cũng về miền đất phương Nam, và những nhân vật thu hút sự quan tâm của tôi bao giờ cũng là phụ nữ. Ngay cả trong phim có các nhân vật nam giới đi nữa, thì bao giờ sự thành bại của họ cũng đều có vai trò của phụ nữ.
Có người hỏi tôi tại sao thích nói chuyện đời xưa. Tôi nghĩ, có ai trong chúng ta không mang quá khứ ngay trong lòng cuộc sống hiện tại?! Cứ ngẫm kỹ sẽ thấy, quá khứ góp phần tạo nên phẩm chất của mỗi người hiện nay. Tùy vào việc bạn ý thức được quá khứ nào đang luân chảy trong huyết quản, và tùy vào việc bạn chọn quá khứ nào cùng đồng hành với hiện tại. Chẳng hạn, phẩm chất trọng nghĩa khinh tài (coi trọng đạo nghĩa, không chú ý đến tiền tài - PV) của những con người Nam Kỳ lục tỉnh xưa kia đáng mến quá đi chứ, vậy tại sao lại không đưa những điều đó vào trong phim? Những chuyện xưa vẫn còn giá trị đến ngày nay.
Làm những bộ phim dính tới lịch sử là hao tiền tốn bạc, nên nhiều người ngại dốc hầu bao đầu tư. Trong vai trò một biên kịch, tôi yêu thích những câu chuyện xưa là tôi viết. Gặp được nhà sản xuất tâm đầu ý hợp phải gọi là “phải duyên phải nợ” nhau. Hiện nay, tôi đang chấp bút viết kịch bản cũng khoảng 40 tập tạm lấy tên Lá mặt lá trái. Đó cũng là chuyện xưa mà thực ra chẳng xưa đâu, và vẫn lấy bối cảnh đất phương Nam.
Đất phương Nam có nhiều chuyện kỳ thú, vừa hấp dẫn lại vừa đau đớn, nhân tình thế sự đủ cả. Biết đâu nếu bạn đọc những cuốn tôi dẫn ở trên, bạn cũng cảm thấy muốn bắt tay vào viết kịch bản thì sao. Bản thân tôi cũng là một nhà báo, trước kia có bao giờ nghĩ mình làm biên kịch phim. Cũng là nghiệp chữ nghĩa cả!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)