Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Daniel Russel tuyên bố như trên trong buổi họp báo tại thủ đô Washington (Mỹ) hôm 18.5 về chuyến thăm Việt Nam và Nhật của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Russel nói rằng Mỹ đang cùng với Việt Nam giải quyết các vấn đề của quá khứ, giải quyết các di chứng của chiến tranh. Còn cho hiện tại, Mỹ và Việt Nam đang hợp tác trong hàng loạt vấn đề cấp toàn cầu và khu vực. "Và để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, chúng tôi đang chuẩn bị để có thể đưa TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) vào thực thi, điều sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả 2 nước", ông Russel dẫn chứng.
Trong cuộc trao đổi ngắn với báo giới hôm 26.4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ hai lần nhắc tới trái xoài, đánh giá rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội lớn cho xoài Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Ông Russel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam, bởi "Việt Nam là một đối tác của TPP. Việt Nam là một đối tác trong duy trì luật biển và các quy định về không gian hàng hải nhằm giải quyết căng thẳng, tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình. Việt Nam là một đối tác trong việc duy trì tầm quan trọng của sông Mê Kông vốn là nguồn sống cho hàng triệu người và nhiều quốc gia ven bờ".
|
Chủ trì buổi họp báo còn có ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia chuyên trách châu Á. Về vấn đề hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam, ông Kritenbrink khẳng định 2 nước cùng chia sẻ cam kết thúc đẩy trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên cơ sở pháp lý để các nước có thể theo đuổi mục tiêu của mình một cách hòa bình và tuân thủ luật lệ quốc tế. Ông khẳng định: "Chúng tôi mong đợi tiếp tục đối thoại với các lãnh đạo Việt Nam về đề tài làm cách nào chúng tôi có thể hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực an ninh biển của Việt Nam".
Trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin ANSA (Ý) là liệu ông Obama sẽ có tí đề cập gì tới cuộc chiến trước đây hay không, ông Kritenbrink nói: "Chuyến thăm của Tổng thống (Obama) đến Việt Nam sẽ không nhấn mạnh vào quá khứ nhưng chấp nhận nó và chúc mừng cho khả năng của chúng tôi đã vượt qua nó mà đạt được những thành quả như ngày nay... Chúng tôi đã ở trong năm thứ 21 của mối quan hệ bình thường hóa với Việt Nam. Tôi nghĩ quả là ấn tượng, nếu không muốn nói là ngoạn mục đến khó tin, khi nghĩ tới chặng đường rất dài chúng tôi đã vượt qua, những thành quả chúng tôi đã làm được giữa nhân dân 2 nước, giữa chính phủ 2 nước cũng như việc chúng tôi đang hợp tác với nhau trong một loạt lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến quân sự và hợp tác ngày càng gia tăng trong các vấn đề từ khu vực đến quốc tế, từ thay đổi khí hậu đến sức khỏe toàn cầu. Dẫu thế, chúng tôi phải nhìn thẳng vào quá khứ chung, trong đó có những giai đoạn rất đau đớn. Chúng tôi phải nhìn vào những hy sinh to lớn của người dân cả 2 nước đã đưa chúng tôi đến được ngày hôm nay".
|
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tập đoàn truyền thông Thượng Hải (Trung Quốc) rằng liệu vấn đề Biển Đông có nằm trong tuyên bố chung của nhóm G7 hay không, ông Kritenbrink trả lời: "Tôi nghĩ một vấn đề quan trọng như an ninh hàng hải nằm trong mối quan tâm của các lãnh đạo G7 là điều hết sức tự nhiên. Tôi được biết rằng các ngoại trưởng G7 khi gặp nhau cũng đã bàn thảo vấn đề này và nó trở thành một phần trong tuyên bố của họ. Tôi cho rằng chuyện nó được bàn thảo ở cấp lãnh đạo (quốc gia) G7 là điều hết sức tự nhiên. Thế nên tôi tự tin rằng nó sẽ được đề cập trong bối cảnh hội nghị G7".
Được biết ngay sau chuyến thăm Việt Nam, ông Obama sẽ sang Nhật để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm G7.
|
Bình luận (0)