Hội thảo giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN do Báo Tiền Phong phối hợp Bộ Y tế, Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức vào ngày 19.10 tại TP.HCM.
Không chỉ đơn thuần là y tế kỹ thuật cao
Tại hội thảo này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho biết, ngành y tế Việt Nam, ASEAN và thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên rất cao sau đại dịch Covid-19. Người dân đang đối mặt với mô hình bệnh tật kép là bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.
Với bệnh lây nhiễm, nổi lên là sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng… Ngay cả thủ đô Hà Nội cũng đang đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Cứ đến mùa dịch bệnh thì các bệnh viện phải căng mình ra lo.
Thế giới, ASEAN và Việt Nam cũng đang đối mặt với bệnh không lây nhiễm, như ung thư, huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì, thiếu dinh dưỡng. Các loại tai nạn chấn thương, thương tích.
"Vấn đề già hóa dân số cũng rất đáng lo. 10% dân số Việt Nam là già và mỗi người già có đến 4 - 5 bệnh. Người Việt Nam chưa giàu đã già, tóc bạc, răng long, đầu gối lung lay…, tất cả làm suy giảm chức năng, gây gánh nặng y tế rất lớn cho chính hệ thống y tế", PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhìn nhận.
Bên cạnh đó là vấn đề an toàn thực phẩm, từ nhập khẩu đến nuôi trồng, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật. Thực phẩm đông lạnh, ô nhiễm cũng đặt ra thách thức.
Đặc biệt quan trọng hiện nay là biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội như triều cường, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ biến đổi, khói bụi, ô nhiễm chì…
Vấn đề sức khỏe tâm thần, sau Covid-19 rất nhiều người mất nhà cửa, mất gia đình, sự nghiệp… dẫn đến lo lắng cho cuộc sống cá nhân, cuộc sống cho gia đình và tương lai. Bên cạnh đó là khủng hoảng kinh tế, thiếu việc làm, mất việc làm trong bối cảnh chiến tranh ở một số khu vực trên thế giới tác động làm chuỗi kinh tế đứt gãy nguồn cung ứng, tác động trực tiếp đến người lao động về thu nhập, đói nghèo và bệnh tật.
"Tất cả những điều trên đặt ra suy nghĩ làm gì để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Đó không chỉ là ghép tim, ghép gan, thận, tế bào gốc mà làm sao trở thành trung tâm tốt để thu hút người nước ngoài tới, thu hút nhà đầu tư, Việt kiều về nước khám chữa bệnh", PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Giải pháp nào?
Về giải pháp, theo đại diện Bộ Y tế thì ngành y tế phải củng cố hệ thống y tế, nâng cao chất lượng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
25 năm trước, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lập chương trình quốc gia về y tế chuyên sâu, lựa chọn những ưu tiên phát triển và có đề án nêu rất rõ lựa chọn ưu tiên cho các giai đoạn, có địa chỉ ưu tiên: Ai làm, làm như thế nào, ở đâu làm, đầu tư ra làm sao? Hiện có rất nhiều kỹ thuật chuyên sâu, rất nhiều tiềm năng nhưng còn lẻ tẻ, manh mún, do đó cần làm một cách tổng thể từ đầu tư, truyền thông, đào tạo, phát triển kỹ thuật, hợp tác quốc tế…
Bên cạnh đó cần có giải pháp về chính sách, về quản lý, đầu tư, chính sách phát triển cho hệ thống y tế công và hệ thống tư nhân. Theo đó, nếu có thể được thì y tế công lập phát triển, duy trì nhiều hơn để giúp cho người nghèo, người có công và đại đa số người bệnh. Nhưng phát triển y tế tư nhân là rất quan trọng. Hiện nay y tế tư chiếm 10%, nhưng định hướng phải chiếm 30 - 40% trong hệ thống y tế.
Nhóm giải pháp lớn là nguồn nhân lực, cơ chế tài chính cho các bệnh viện. Và trong luật Khám bệnh, chữa bệnh cho phép tiếp tục triển khai Hội đồng y khoa Quốc gia trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, giúp Thủ tướng tổ chức tham mưu về việc đánh giá năng lực hành nghề của thầy thuốc khi bước vào hành nghề y khoa.
"Tôi đi họp ASEAN, bằng cấp của người mới ra trường ở Việt Nam hiện nay chưa được các nước ASEAN công nhận, vì chưa có hội đồng y khoa đánh giá năng lực hành nghề", PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
Ông nhìn nhận, thực tế hiện nay trong cơ chế thị trường có rất nhiều trường tư đào tạo khối ngành sức khỏe. Có trường đào tạo rất tốt, nhưng có trường thì không, sinh viên không được "sờ" vào người bệnh mà chủ yếu học trên trên mô hình. Nhiều em học 6 năm ra trường có khi chưa biết tiêm bắp, tiêm da, tiêm ven, tiêm tĩnh mạch thành thục. Đó là chưa nói đến các kỹ thuật phẫu thuật đơn giản. Do vậy, năng lực rất hạn chế.
"Đến 2027, tất cả sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng) đều phải được Hội đồng y khoa Quốc gia đánh giá năng lực trước khi hành nghề. Đề không khó nhưng ít nhất phải cập nhật ASEAN về năng lực hành nghề, để hội nhập. Vì muốn hội nhập ASEAN thì năng lực, trình độ chuyên môn phải hội nhập", PGS-TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm
Cần hành động chứ không nói lý thuyết nữa
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, việc phát triển y tế chuyên sâu, y tế kỹ thuật cao của TP.HCM và Việt Nam ra đời, bên cạnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản cho người dân thì phải đạt các mục tiêu góp phần phát triển du lịch y tế, giữ chân người Việt ở lại trong nước chữa bệnh, Việt kiều về nước chữa bệnh; đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thu nhập cao.
"Đừng nói lý thuyết, đừng nói nghị quyết và đừng nói gì nữa mà phải chỉ ra được ai, làm gì, ở đâu và như thế nào? Ai theo dõi, ai kiểm tra, ai giám sát, đánh giá…?", PGS-TS Lương Ngọc Khuê kết luận.
Cũng tại hội nghị, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, TP.HCM đã và đang xây dựng, triển khai các dự án y tế trên địa bàn, bao gồm:
- Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
- Đề án Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.
- Đề án Tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.
- Đề án Phát triển y tế chuyên sâu TP.HCM giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Đề án Hình thành trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao từ nay đến năm 2030.
- Đề án Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
- Đề án Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Đề án Thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021 và các chính sách đặc thù giúp các bệnh viện công lập ngành y tế TP.HCM phát triển bền vững.
- Đề án Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.
Bình luận (0)