Trở về nhà sau 33 năm được công nhận liệt sĩ

22/02/2018 07:00 GMT+7

Câu chuyện về ông Trương Văn Chóng (58 tuổi), được công nhận liệt sĩ cách đây 33 năm, bất ngờ trở về gia đình ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn (TP.Cần Thơ) rạng sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất đang gây xôn xao dư luận địa phương.

Ông Chóng là con thứ 6 trong gia đình có 10 anh chị em. Năm 1983, ông nhập ngũ, tham gia chiến trường tại Campuchia, để lại người vợ và đứa con vừa tròn 3 tuổi. Đến năm 1985, gia đình nhận được giấy báo tử nên lập bàn thờ cúng giỗ ông hằng năm.
Chiều 21.2, tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Trương Văn Phơi (em ruột ông Chóng) kể lại rạng sáng 20.2, trong lúc gia đình đang ngủ bỗng nghe tiếng gọi “ông Cao ơi” (tên người anh cả của ông Chóng - PV) mỗi lúc một dồn dập, ông liền ra mở cửa định nói chuyện “phải quấy” thì nhận ra gương mặt quen thuộc. Định thần lại, ông Phơi ngỡ ngàng vì người anh thứ 6 tưởng đã chết nay đột ngột trở về.
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trương Văn Chóng
Mẹ ông Chóng là cụ Huỳnh Thị Nía (87 tuổi) xúc động kể: “Năm 1985, gia đình nhận được giấy báo tử nên tôi lập bàn thờ cho con trai. Đến năm 1993 thì nhận được bằng Tổ quốc ghi công, công nhận nó là liệt sĩ. Suốt 33 năm trời, lúc nào tôi cũng mong tìm được hài cốt con để đưa về chôn cất, hương khói. Nhiều lúc nằm mơ thấy con về mà nước mắt lại trào. Nay thật mừng nó về, đứng trước mặt tôi bằng xương bằng thịt. Niềm vui không diễn tả nổi bằng lời”.
Theo lời ông Chóng kể lại, trong một trận đánh vào năm 1985 ở Campuchia, ông bị thương và lạc vào rừng sâu. Đến khi kiệt sức, ông may mắn được người dân bản xứ đưa về cưu mang đến khi hoàn toàn bình phục.
Suốt nhiều năm sau đó, ông Chóng định cư tại Campuchia, kết hôn với một cô gái bản xứ và có 2 con. Sau cơn bệnh tai biến, trí nhớ ông giảm sút nhiều. Hơn 8 năm trước, ông cùng vợ về VN sinh sống tại Tây Ninh, cuộc sống cũng không dư dả. Tình cờ, ông quen một người bạn quê ở Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ), sau nhiều lần trò chuyện tâm sự, từng dòng ký ức dần dần được ráp nối lại. Ông Chóng nhớ ra mình có gia đình tại vùng đất Định Môn và nhờ người bạn này ghi lại địa chỉ. Sau đó, ông khăn gói rời Tây Ninh, đi xe đò về Cần Thơ và bắt xe ôm về Định Môn. Đi tới đâu ông cũng đưa địa chỉ để hỏi thăm người dân, suốt từ trưa đến tận khuya mới tìm được nhà.
Ông Trần Văn Chiến, Bí thư Chi bộ ấp Định Hòa B, cho biết chuyện ông Chóng trở về sau 33 năm được công nhận hy sinh là sự thật. “Ông Chóng đã đến trình diện các cấp chính quyền tại đây và giãi bày về câu chuyện của mình. Chúng tôi cũng đã đến nhà cụ Nía xác minh thông tin từ người thân về việc ông Chóng trở về”, ông Chiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.