Lưu lạc nửa thế kỷ
Hồ sơ quân nhân của “liệt sĩ” Lê Giang Nam còn lưu tại gia đình ghi ông Nam nhập ngũ tháng 5.1965, hy sinh ngày 31.10.1968.
Ông Lê Nguyên Lan, em trai ông Nam, cho biết năm 1964, ông Nam có lệnh gọi nhập ngũ. Nhưng do năm đó cha mất nên ông Nam được hoãn lại 1 năm. “Khi đó, tôi mới 9 tuổi, anh Nam đi rồi mất liên lạc luôn, đến năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử, thông báo anh Nam đã hy sinh vào ngày 31.10.1968”, ông Lan kể.
Ông Lê Giang Nam đang đọc lại giấy báo tử chính mình ẢNH KHANH HOAN
|
Gia đình có 4 anh em trai, ông Nam là anh cả, sinh năm 1946; người em trai thứ là liệt sĩ Lê Nguyên Bộ, hy sinh năm 1970 ở mặt trận phía Nam. Ông Lan là con thứ ba và tưởng rằng ông là người duy nhất còn sống khi người em út cũng bị mất tích từ hàng chục năm nay.
“Mẹ tôi mất năm 1974. Một năm sau thì tôi nhận giấy báo tử anh cả. Nhiều năm nay, tôi liên lạc nhiều nơi để tìm kiếm phần mộ của 2 anh, nhưng không có kết quả. Con trai tôi cũng đăng thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội và rất may, đã tìm thấy bác cả còn sống”, ông Lan xúc động nói.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH huyện Nam Đàn đến nhà xác minh sự trở về của ông Nam ẢNH KHÁNH HOAN
|
Mất trí nhớ sau Tết Mậu Thân
Tiếp xúc với phóng viên Báo Thanh Niên tại nhà em trai sau 4 ngày trở về quê nhà, ông Nam rất xúc động. Do di chứng của vết thương quá nặng trên đầu, nên ông Nam bị lãng tai, lúc nhớ, lúc quên.
Ông Nam kể, trong trận đánh đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 ở chiến trường Quảng Trị, ông bị thương nặng. Sau đó, ông được đưa vào Đà Nẵng điều trị và được một gia đình ở đó cưu mang. Khi đó, ông mất hoàn toàn trí nhớ. Năm 1969, gia đình này gả con gái cho ông. Sau năm 1975, hai vợ chồng ông đi kinh tế mới ở xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) và sống ở đó cho đến nay.
Sau khi bị thương, ông bị lệch gò má phải, trên đỉnh đầu lõm sâu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng và không còn nhớ được họ tên, năm sinh, quê quán của mình. “Vợ tui nhiều lần hỏi để đưa tui về thăm quê, các con tui cũng vậy, nhưng mỗi khi hỏi đến chuyện quê là đầu tui đau nhức nên không thể nhớ được gì”, ông Nam kể.
Ở huyện Tánh Linh, ông Nam được cấp giấy chứng minh thư mang tên Nguyễn Mạnh Cương, quê Đà Nẵng, sinh năm 1951, không có ngày, tháng. Năm 2016, vợ ông mất. “Không biết do bà ấy phù hộ hay sao mà sau đó, tui bỗng nhớ mang máng cái tên quê là xã Nam Sơn, hoặc Nam gì đó ở huyện Nam Đàn, Nghệ An”, ông nói. Con trai ông sau đó đã đăng thông tin tìm kiếm người thân của cha mình trên mạng xã hội.
Như một giấc mơ
Anh Lê Nguyễn Vũ, cháu ruột ông Nam, cho biết năm 2017, anh Vinh (con trai ông Nam) lên mạng xã hội tìm kiếm thân nhân cho cha nhưng không có kết quả. Anh Vinh tra cứu tên xã Nam Sơn, nhưng ở huyện Nam Đàn không có xã này. Sau đó, anh đăng tải thông tin thêm một lần nữa vào trang của hội đồng hương Nam Đàn, hy vọng có ai đó biết manh mối.
Ông Nam (bìa trái) và người bạn thuở thiếu thời tại quê nhà ẢNH KHÁNH HOAN
|
“Sau khi tôi đăng tải thông tin tìm phần mộ 2 bác tôi nhưng không có kết quả, vừa rồi, có người bạn mách cho tôi thông tin này. Tôi vào tìm hiểu, kết nối với anh Vinh và cũng hy vọng đó là bác ruột mình. Sau đó, tôi tìm đến nhà bác ở Bình Thuận hỏi chuyện thì nghe bác kể về tên một số người thân của tôi nên tôi nhận ra đó là bác ruột”, anh Vũ kể.
Ngày 23.3, anh Vũ đưa ông Nam và các con ông về quê. Đó là ngày trùng phùng của những con người sau 53 năm xa cách. “Ban đầu tui không dám nghĩ đó là anh tui, cho đến khi anh em ôm nhau, rồi hỏi chuyện, tui mới biết anh tui còn sống”, ông Lan xúc động nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Cương, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Nam Đàn, cho biết qua xác minh ban đầu, Phòng xác định “liệt sĩ” Lê Giang Nam còn sống trở về. Đây là trường hợp khá hy hữu. Phòng sẽ báo cáo UBND huyện Nam Đàn và Sở LĐ-TB-XH để làm các thủ tục cho ông Nam được hưởng các quyền lợi thương binh theo quy định.
Bình luận (0)