Trở về sau 50 năm là liệt sĩ

30/04/2015 10:32 GMT+7

Sau 50 năm được công nhận là liệt sĩ, ông Hồ Xuân Hương (74 tuổi) trở về quê ở thôn Lý Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình) trước sự bất ngờ của người thân, làng xóm.

Sau 50 năm được công nhận là liệt sĩ, ông Hồ Xuân Hương (74 tuổi) trở về quê ở thôn Lý Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình) trước sự bất ngờ của người thân, làng xóm.

Ba chị em ông Hương (áo trắng), bà Ngùy (chị gái đầu) và ông Khanh Ba chị em ông Hương (áo trắng), bà Ngùy (chị gái đầu) và ông Khanh - Ảnh: Văn Được

Bị tra tấn nên... mất trí nhớ

Chính quyền địa phương và rất nhiều người dân xã Đại Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tìm đến nhà ông Hồ Văn Khanh, thăm hỏi ông Hồ Xuân Hương, người vừa trở về quê hương sau gần 50 năm được công nhận liệt sĩ. Khi chúng tôi đến, ông Hương đã quay trở vào Đồng Nai, nơi ông sinh sống mấy chục năm nay. Tuy nhiên, căn nhà ông Khanh (em trai ông Hương) vẫn rất đông người đến thăm hỏi. Theo lời kể của ông Khanh, ông Hương là con trai thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Năm 1964, ông Hương đi công nhân rồi nhập ngũ ở H.Quảng Trạch (Quảng Bình). Sau đó, ông được chọn vào Đại đội vận tải đường biển số 27. Qua nhiều đợt huấn luyện cấp tốc, ông Hồ Xuân Hương được tuyển vào lực lượng xung kích, đóng vai ngư dân đi trên tàu đánh cá để vận chuyển vũ khí, lương thực bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong một chuyến chở vũ khí ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đơn vị ông Hương bị địch phục kích bắn chìm tàu trên biển, chỉ còn mình ông sống sót, bị địch bắt về giam giữ tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), đưa vào đồn Mang Cá (TP.Huế) rồi bị đày ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

“Anh trai tui kể, anh bị địch tra tấn đến mất trí, không còn nhớ quê hương, gia đình ở mô. Lúc bị bắt, anh còn phải khai tên giả là Nguyễn Thành, (quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị), vì nếu khai là người Quảng Bình thì sẽ bị địch tra tấn dã man hơn”, ông Khanh nói trong nước mắt. Khoảng năm 1974, ông Hương được thả tự do về đất liền. Bị mất trí nhớ, ông không thể nhớ nổi quê hương của mình nên đành sống cảnh lang thang, lưu lạc nơi đất khách quê người.

Trong một lần lang thang đến khu vực Hố Nai (nay thuộc P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), ông Hương được một người phụ nữ lớn tuổi thuê làm việc vặt trong nhà. Tại đây, ông đã được người phụ nữ tốt bụng kia mai mối rồi lấy bà Hà Thị Đỏ (lúc đó mới 18 tuổi) về làm vợ. Sau khi nên duyên với bà Đỏ, vợ chồng ông Hương cùng nhau về làm rẫy, sinh sống ở ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, H.Trảng Bom (Đồng Nai).

Ngày trở về

Suốt mấy chục năm trời, ông Hương sống cùng vợ và 4 người con ở nơi đất khách quê người, không một chút hồi ức về quê hương, tuổi thơ. Giữa năm 2013, trong một đợt sốt kéo dài 1 tuần liền đã làm ông Hương nhớ lại một vài ký ức hồi bé. Rồi những kỷ niệm về tuổi thơ, quê hương ở thôn Lý Nhân Bắc trong ông chợt ùa về. Lúc này, ông ao ước được trở về quê hương, tìm lại người thân mấy chục năm xa cách của mình.

Cơ hội hồi hương của ông Hương xuất hiện khi làm cùng công ty với con gái ông có một người quê Quảng Bình. Người này đã gọi điện về cho bố là ông Chiến (ở thôn 6, xã Bắc Trạch, H.Bố Trạch) nhờ vào thôn Lý Nhân Bắc, xã Đại Trạch tìm cô Ngùy (chị gái ông Hương). Có được số điện thoại, ngày 13.3, ông Hương gọi điện về nhà ông Khanh (em trai mình) để xác minh.

“Khi cầm máy, nhận ra đó là anh trai mình, tui mừng đến nói không nên lời. Được nói chuyện với nhau đã vui lắm rồi, hai anh em đều khóc vì quá vui mừng”, ông Khanh cho biết. Chiều 16.4, khi biết tin ông Hương sắp bay về đến sân bay Đồng Hới, tất cả anh em họ hàng khoảng 30 người đã tập trung ra đón. “Khi đang chờ anh ở sân bay, thấy anh đi từ trong ra, tui đã nhận ra anh chính là anh trai mình. Tui định chạy vào trong để ôm anh nhưng bị bảo vệ giữ lại. Lúc anh ra đến, hai anh em nhận ra nhau, rồi ôm chầm lấy nhau khóc. Lúc đó thật sự tui thấy rất sung sướng”, ông Khanh nói.

Trên đường về nhà, đến đoạn cầu Chánh Hòa, ông Hương nhận ra quê hương mình và thốt lên rằng: “Quê mình đây rồi”. Về đến cổng nhà văn hóa thôn, hầu hết người dân trong làng biết tin đều ra đón ông Hương. “Niềm vui ni có ai ngờ được mô, hơn 50 năm qua, kể từ khi nhận được tấm bằng Tổ quốc ghi công, cứ đến ngày 29.5 hằng năm, gia đình tui đều làm giỗ, còn làm ngôi mộ gió ở lăng của dòng tộc cho anh ấy. Cả nhà ai cũng cứ nghĩ là anh ấy bị cá ăn ở ngoài biển, chứ có biết anh ấy còn sống mô. Giờ anh ấy trở về, ai cũng mừng lắm”, ông Hồ Văn Khanh bùi ngùi nói. Về thăm quê được 3 ngày thì ông Hương đành phải trở lại Đồng Nai vì lý do sức khỏe. Bà Lê Thị Thanh (em dâu ông Hương) cho biết, sức khỏe ông Hương không được tốt. Nếu ngồi ở đâu mà đông người quá là ông Hương lại lên cơn đau, nói nhảm. Đêm nào, người thân cũng phải dậy bóp chân cho ông 2 – 3 lần vì chân thường xuyên bị chuột rút. “Bác ấy vẫn muốn ở lại quê lắm, nhưng vì sức khỏe không tốt nên con bác ấy không yên tâm. Ở trong kia, mỗi tuần bác ấy phải đi khám một lần để lấy thuốc”, bà Thanh nói.

Nói chuyện qua điện thoại với chúng tôi, ông Hồ Xuân Hương nghẹn ngào trong nước mắt: “Lúc đi, tui được bố mẹ tiễn chân, giờ về thì cả bố mẹ đều không còn nữa. Nhưng được về lại với quê hương, gặp lại các chị, các em mình rứa là tui mừng lắm rồi. Tháng 7 âm lịch tới giỗ bố, lúc đó tui cùng gia đình sẽ lại về”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.