Th.S-BS Nguyễn Trọng Tín, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, trả lời câu hỏi trên như sau:
Sả và gừng là hai loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những vị thuốc nam được sử dụng rất phổ biến trong y học cổ truyền.
Sả có vị cay, tính ấm, được dùng làm thuốc giải cảm, chữa ho đàm, tiêu chảy do hàn thấp, đồng thời cũng là vị thuốc giúp kích thích tiêu hóa.
Sả có vị cay, tính ấm, được dùng làm thuốc giải cảm, chữa ho đàm |
shutterstock |
Gừng cũng có vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu đàm, giải độc... Tùy vào mỗi dạng bào chế mà gừng có công dụng khác nhau.
Trong dân gian, dựa vào tính chất cay thơm của sả, người ta thường sử dụng nó trong nồi xông thuốc giải cảm hoặc dùng làm gia vị đi kèm với các món ăn có tính hàn thấp hoặc khó tiêu như món thịt lươn, ốc, nghêu, thịt gà, thịt bò,... Gừng thì được sử dụng nhờ vào tính ấm, được dùng mỗi khi lạnh bụng sau khi ăn thức ăn sống lạnh, hoặc cũng dùng để giải cảm phong hàn. Dân ta cũng dùng gừng để nấu cùng các thực phẩm có tính hàn như nghêu, thịt vịt, cá trê,... hoặc chế biến thành trà gừng, mứt gừng để ấm bụng vào những ngày mùa đông.
Việc sử dụng nước nấu sả gừng uống vào buổi sáng sẽ rất phù hợp vào những ngày mưa ẩm lạnh. Hai vị thuốc trên khi kết hợp với nhau sẽ góp phần kích thích tiêu hóa giúp ăn uống tốt hơn, đồng thời phòng ngừa được ngoại cảm do phong hàn thấp vào những ngày lạnh ẩm.
Lưu ý khi dùng nước sả gừng
Tuy vậy, không nên lạm dụng nước sả gừng để tránh gây hại, đặc biệt đối với người có thể trạng âm hư, hoặc trong người có nhiệt. Khi có biểu hiện nóng rát hoặc đau cồn cào vùng thượng vị sau khi sử dụng cần lưu ý giảm lượng sả gừng xuống cho phù hợp với thể trạng, hoặc cần có tư vấn cụ thể của bác sĩ y học cổ truyền để sử dụng phù hợp với cơ địa của từng người.
Bình luận (0)