Trôi nổi di sản tư liệu của người nổi tiếng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/10/2022 07:07 GMT+7

Tư liệu của người nổi tiếng rất cần được tập hợp, vì bản thân chúng là di sản.

Những bài thơ, khổ nhạc, bức tranh…

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm thơ nhạc kịch Hoa cúc xanh lặng đi khi giọng của nữ sĩ Xuân Quỳnh vang lên trong đoạn phim tư liệu. Bà đọc bài thơ Hát với con tàu. “Con tàu của tuổi thơ/Là một tàu cau nhỏ/Nơi con tàu đi qua/Hoa xoan rơi đầy ngõ…”. “Một tối, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gọi cho tôi, nói em tìm được một đoạn tư liệu có tiếng của chị Xuân Quỳnh và vừa gửi cho anh, anh nghe lại xem có đúng không. Tôi nghe và đúng là tiếng của chị ấy thật. Có lẽ Điệp đã tìm thấy nó ở một kho tư liệu nào đó”, NSND Nguyễn Thước nhớ lại về đoạn tư liệu tiếng này.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết đã đi tìm tư liệu về cố nhà thơ Xuân Quỳnh rất lâu, ở nhiều nơi. “Sau khi tìm khắp nơi không thấy thì tôi suy luận, người nổi tiếng như thế, kiểu gì cũng trả lời phỏng vấn, nên liên hệ với Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN. Bên đài truyền hình nói với tôi những năm khó khăn, các cuốn phim sau đó đều được tận dụng lại nên nếu có cũng không còn tư liệu, nếu còn anh Lưu Minh Vũ cũng đã thấy rồi. Khi tôi sang Đài tiếng nói VN, họ hỏi tôi có áng chừng năm nào không, rồi sau đó tìm thấy. Họ lưu trữ cẩn thận lắm, như là lưu trong thư viện, có kèm ghi chép”, nữ đạo diễn nhớ lại.

Bảo vật quốc gia phác thảo quốc huy của cố họa sĩ Bùi Trang Chước

Trinh Nguyễn

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Đoạn tư liệu đó là một di sản, còn tôi chỉ là người phát huy nó. Tôi rất muốn tìm thấy những di sản như vậy, mọi người cùng ý thức về giá trị của những di sản đó”.

Có nhiều tư liệu của nghệ sĩ có thể trở thành di sản. Mới đây nhất, Bộ VH-TT-DL đã vinh danh một di sản là bộ phác thảo quốc huy của cố họa sĩ Bùi Trang Chước là bảo vật quốc gia. Những phác thảo màu của bộ tư liệu này cho thấy cố họa sĩ sử dụng 2 màu chủ đạo là vàng và đỏ. Đây là 2 màu được hòa quyện trong Quốc kỳ của VN. Lựa chọn này được phân tích trong hồ sơ bảo vật quốc gia: “Lấy Quốc kỳ làm nội dung là có ý nghĩa hơn cả… Tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc ta, là hình ảnh tươi thắm nhất, tiêu biểu nhất cho dân tộc ta cũng như cho chính thể dân chủ cộng hòa của chúng ta. Đó là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy”.

Cũng liên quan đến các biểu tượng quốc gia, có thể thấy các mẫu phác thảo quốc huy đã được công nhận bảo vật quốc gia, bản thân các mẫu cũng là một dạng di sản tư liệu, song tư liệu về quốc kỳ, quốc ca lại chưa có danh hiệu tương tự. Về các biểu tượng này, công văn Bộ Ngoại giao VN từng gửi Quốc hội có nội dung: “Nước ta chưa có Quốc huy và Quốc ấn. Bộ tôi nhận thấy đã đến lúc cần nghiên cứu làm để đạt quy nếp chỉnh tề cho việc giao thiệp quốc tế của ta rồi đây ngày sẽ một thêm phát triển”.

Kho tư liệu, kho di sản tư liệu

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục Quốc hội, cho rằng các bản thảo Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, tư liệu phác thảo quốc huy… đều là những di sản tư liệu quý. “Nên xây dựng những kho tư liệu như thế”, ông Sơn nói.

PGS Sơn cũng đánh giá cố gắng của GS-TS Nguyễn Anh Trí với Bảo tàng Di sản các nhà khoa học thuộc Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Đây là nơi chủ động tìm kiếm, giữ gìn tư liệu của các nhà khoa học từ khi họ đang còn sống. “Đấy chính là bài học cho các cơ quan bảo tàng, lưu trữ nhà nước trong việc gìn giữ giá trị. Không phải đợi đến lúc các văn nghệ sĩ mất đi mới quay trở lại đi lưu trữ, lúc đó công việc đã trở nên quá khó khăn rồi. Với cách mạng công nghiệp 4.0 khi các trang thiết bị đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc gìn giữ các giá trị của quá khứ như thế, những cái như của bác Trí chính là bài học để các bảo tàng noi theo”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, các kho lưu trữ cũng nên công bố tư liệu mình có. Để làm được việc này, cần số hóa, lập các thư mục khoa học để việc tra cứu được dễ dàng. Điều đó giúp những người tìm kiếm thông tin làm việc thuận lợi hơn, các tư liệu cũng tới tay người đọc.

Một vấn đề khác cũng được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhắc tới, đó là việc liên kết giữa gia đình những người nổi tiếng, có tác phẩm, công trình quan trọng và các trung tâm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu. Qua đó có thể lập các hồ sơ di sản tư liệu để tôn vinh những con người đã viết nên lịch sử, văn hóa của thời kỳ mình. Một thông tin cho biết gia đình nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng sẽ thực hiện một hồ sơ tư liệu về bà và kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Những di cảo của họ hoàn toàn có thể trở thành một di sản tư liệu được công nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.