Trời TP.HCM vào mùa 'đỏng đảnh'

Chí Nhân
Chí Nhân
17/12/2022 06:41 GMT+7

Trong những ngày qua, thời tiết TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ liên tục biến đổi giữa cái không khí se lạnh, sương mù và mưa trái mùa… Đây là kiểu thời tiết đặc trưng của Nam bộ trong mùa giáp tết.

Tiết trời mùa lễ hội

Do yêu cầu công việc, từ đầu tuần anh Trần Ngọc Thanh phải rời khỏi TP.HCM. Sáng cuối tuần, anh chở vợ ra khu trung tâm TP, vào một quán quen để thưởng thức ly cà phê, ngắm phố phường và tận hưởng cái không khí “mùa” cuối năm. Anh Thanh cho biết trong những ngày đi công tác, theo dõi các bản tin thời tiết thấy báo trời TP mát mẻ với nhiệt độ buổi sáng chỉ 19 - 20 độ C, nên đã tranh thủ kết thúc sớm chuyến công tác để được trở về tận hưởng cái không khí này. Vì đây là thời gian rất ngắn ngủi trong năm của vùng đất chỉ có hai mùa mưa nắng.

“Sài Gòn mùa này đẹp và thú vị nhất. Buổi sáng thì se lạnh, trưa hửng nắng và chiều tối thì mát mẻ. Nó còn gắn liền với các lễ hội như Noel, tết Tây, Tết Nguyên đán nên mang trong mình không khí rộn ràng của mùa lễ hội một cách rất tự nhiên”, anh Thanh nhận xét.

Cùng tâm trạng, chị Lý Kim Hạnh (ngụ Q.3, TP.HCM) ví von: Tiết trời hiện tại của TP cứ “đỏng đảnh” như cô gái mới lớn. Sáng sớm mát mẻ, trưa nắng gay gắt và chiều lại nhiều mây. Đúng kiểu thời tiết đặc trưng của mùa tết. Cứ đến mùa này là lòng ai cũng nôn nao.

Thời tiết TP.HCM mát mẻ vào mùa lễ hội cuối năm

Dương Lan

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong tuần qua, thời tiết buổi sáng sớm trời se lạnh, phía bắc Đông Nam bộ trời lạnh. Khu vực bán đảo Cà Mau - Bạc Liêu và Kiên Giang cục bộ có nơi mưa nhỏ, lượng không đáng kể. Nhiệt độ thấp nhất ở các tỉnh Đông Nam bộ trong thời gian trên dao động trong khoảng 18 - 22 độ C, các tỉnh miền Tây trong khoảng 22 - 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến trong khoảng 30 - 33 độ C, một số nơi trên 33 độ C.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), cho biết: Mùa này, sáng sớm trời se lạnh là hiện tượng thời tiết bình thường do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc tăng cường xuống phía nam. Từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán vẫn còn một số đợt lạnh nữa nhưng không liên tục và cường độ khác nhau. Ngoài các đợt không khí lạnh thì thời tiết Nam bộ còn bị ảnh hưởng bởi rãnh áp thấp, gây mưa trái mùa. Thường thì mưa trái mùa có thời gian mưa ngắn, diện hẹp và lượng không đáng kể.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết thêm: Thời điểm này, Nam bộ đang vào đầu mùa khô. Tuy nhiên, thời tiết lại đang bị chi phối bởi rãnh áp thấp và gió mùa đông bắc về. Những ngày vừa qua, đợt không khí lạnh hay gió mùa đông bắc có cường độ mạnh nên tác động tương đối nhiều đến Nam bộ. Thế nhưng, đợt không khí này đang giảm cường độ nên không khí se lạnh vào buổi sáng ở Nam bộ và TP.HCM đang giảm dần. Thông thường không có các đợt lạnh cường độ mạnh liên tục nên khả năng vào Noel sẽ không lạnh nhưng trước hoặc sau tết Tây (có thể là trước Tết Nguyên đán) sẽ có một đợt không khí cường độ mạnh hơn vừa rồi.

“Đó là theo diễn biến thông thường, còn cụ thể ngày nào thì khó nói chính xác. Do năm nay, chênh lệch giữa ngày dương lịch và âm lịch ít nên khả năng sau Tết Nguyên đán (tháng 2 dương lịch) vẫn còn có khả năng xuất hiện không khí lạnh. Mỗi khi không khí lạnh suy yếu thì hoạt động của rãnh thấp sẽ mạnh lên và gây mưa trái mùa. Hiện tượng mưa trái mùa gây hại rất nhiều cho các loại hoa kiểng và cây ăn trái, nhất là các loại như: mai vàng, sầu riêng, chôm chôm, điều…, người dân cần theo dõi thông tin thời tiết để có các biện pháp xử lý phù hợp khi gặp mưa”, bà Xuân Lan cho biết.

Cần bảo vệ sức khỏe

Tiết trời lạnh, nhiều người thích nhưng Th.S Lê Thị Xuân Lan lưu ý trong giai đoạn này biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, thường khoảng 10 độ C, có khi hơn. Điều này sẽ làm cơ thể rất khó thích nghi nên dễ bị các bệnh cảm cúm. Vì vậy, mọi người cần chú ý đề phòng bằng cách giữ ấm cho cơ thể.

Ngoài ra, vào giai đoạn thời tiết này, chúng ta còn thấy hiện tượng sương mù xuất hiện thường xuyên. Đây là kiểu sương mù hỗn hợp do các hạt bụi mịn kết hợp với không khí ẩm tạo nên. Nếu là sương mù thông thường sẽ tan khi nắng lên. Còn mù do ô nhiễm không khí thì vẫn kéo dài cả ngày. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông… là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn. Vào mùa mưa, nước mưa sẽ giúp làm sạch không khí. Còn mùa nắng, độ ẩm không khí thấp nên sự kết dính của bụi mịn và hơi nước thấp, gió nhiều sẽ giúp bụi mịn khuếch tán đi nơi khác. Vì vậy, cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân khi ở ngoài trời nhiều.

Ô nhiễm không khí là vấn đề đã được đề cập nhiều trong những năm gần đây. Nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong ngày 16.12, chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực trên trang web theo dõi chất lượng không khí của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho thấy nhiều điểm ở mức màu cam và đỏ (có hại cho sức khỏe). Đáng chú ý, vào ngày 1.12, nhiều điểm đã vượt mức cảnh báo màu đỏ chuyển sang màu tím và tím đậm (nồng độ bụi mịn đến 335 µm/m3), tương ứng với mức độ rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Tương tự, các trang web theo dõi chất lượng không khí khác cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về chất lượng không khí.

Rét đậm, rét hại đến tháng 2.2023

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, hiện tượng la Nina có khả năng tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 50 - 55%. Trong khi đó, không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại trong tháng 1 - 2.2023. Ngoài ra, từ nay đến tháng 3.2023, trên khu vực Biển Đông vẫn còn khả năng xuất hiện khoảng một đến hai xoáy thuận nhiệt đới và tập trung ở khu vực nam Biển Đông, không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía nam.

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước giai đoạn này phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây nguyên và Nam bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Về lượng mưa: khu vực Bắc bộ, giai đoạn tháng 1 - 2.2023, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn 5 - 15 mm so với trung bình nhiều năm; trong tháng 3 lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đối với khu vực Trung bộ thì bắc Trung bộ lượng mưa xấp xỉ nhiều năm, còn nam Trung bộ phổ biến cao hơn từ 10 - 30 mm. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5 - 20 mm so với trung bình năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.