Trông chờ gói bù lãi suất kéo giảm lãi vay

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/11/2021 06:28 GMT+7

Dự kiến gói bù lãi suất 20.000 tỉ đồng mỗi năm sẽ tạo đà giảm lãi suất cho vay trên thị trường.

Lãi suất cho vay của Việt Nam cao gấp 2 - 4 lần

Bộ Tài chính hiện đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỉ đồng. Hỗ trợ lãi suất 4% thì có dư nợ khoảng 1 triệu tỉ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đấy tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau.

Với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay còn cao, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng chỉ có gói hỗ trợ bù lãi suất của Chính phủ mới có thể kéo lãi vay giảm và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Lãi suất ở Việt Nam cao hơn gấp 2 - 4 lần các nước khác, ở mức 9 - 10%/năm, bình quân khoảng 8%/năm. Trong khi các nước khác chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 - 5%/năm. Doanh nghiệp yếu mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì việc phục hồi khó. Các ngân hàng cũng đã nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay thời gian qua nhưng họ cũng cần tính toán chi phí đầu vào đầu ra hợp lý để có thể “sống” được.

Gói bù lãi suất đang được thị trường kỳ vọng kéo lãi suất vay giảm

Ngọc Thắng

Có cùng quan điểm, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ủng hộ gói hỗ trợ bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Theo phân tích của ông Trần Hoàng Ngân, với lãi suất cho vay 6 - 8%, thậm chí 9% như hiện nay, doanh nghiệp rất khó để hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư, cắt giảm chi phí. Với mức hỗ trợ 2 - 3% lãi suất trên dư nợ tín dụng 1 triệu tỉ đồng, tương ứng mỗi năm khoảng 20.000 - 30.000 tỉ đồng, trong vòng 2 năm lên khoảng 60.000 tỉ đồng. Số tiền này lấy từ nguồn đầu tư công chưa phân bổ để có thể thực hiện được ngay. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp hiện nay còn khó về tiếp cận vốn khi không còn tài sản thế chấp nên Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp cần phát huy vai trò của mình.

Để hỗ trợ khách hàng đang vay, 16 ngân hàng đã giảm tiền lãi lũy kế từ 15.7 đến 30.9 là khoảng 12.236 tỉ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.

Với quan điểm ngược lại, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng gói hỗ trợ bù lãi suất cho vay cần hỗ trợ những doanh nghiệp đang vay cũ, có mức lãi cao để giảm bớt gánh nặng chi phí cho họ, giúp họ sớm hồi phục. Ông Phạm Thế Anh lo ngại với dư nợ 1 triệu tỉ đồng sẽ đẩy tín dụng ra nhiều mà không đúng mục đích, dòng tiền này sẽ vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, chứng khoán, làm cho tín dụng nền kinh tế tăng trưởng nóng. Thế nhưng, ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng không nên quá lo ngại về việc gói hỗ trợ tín dụng này có thể đẩy giá bong bóng bất động sản lên. Có thể tham khảo chính sách tiền tệ “tưới tiêu” của Trung Quốc áp dụng từ năm 2014 đến nay. Chính sách này chọn những lĩnh vực, đối tượng hỗ trợ vốn khi mà các công cụ thị trường không thể điều tiết. Để chọn ra những ngành nghề cần hỗ trợ, các bộ ngành cần có sự phối hợp để đưa ra ngành nghề bị ảnh hưởng cụ thể, từ đó thực hiện chính sách có mục đích rõ ràng và giám sát. Trung Quốc đã triển khai gói hỗ trợ “tưới tiêu” nhiều năm qua và gói này được đánh giá thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng không làm cho lạm phát tăng cao. Chính vì vậy không thể nói chính sách này sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Gói tín dụng “mồi” kéo mặt bằng lãi vay giảm

Nếu gói hỗ trợ bù lãi suất 4% cho 1 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng, chỉ chiếm 10% trong tổng số dư nợ 10 triệu tỉ đồng mà ngành ngân hàng cho vay. Như vậy làm cách nào để giảm lãi suất vay đối với những ngành nghề, lĩnh vực khác không nằm trong gói hỗ trợ? Đối với Việt Nam, ông Lê Đạt Chí cho rằng có rất nhiều công cụ để có thể giảm lãi vay trên thế giới như gói nới lỏng định lượng, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc, điều tiết vốn trên thị trường mở, áp dụng chính sách “tưới tiêu”… Trong thời gian qua các ngân hàng đã hô hào kéo giảm lãi suất huy động, cắt giảm lợi nhuận… để có thể kéo giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng nhưng đến nay lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu được hơn nữa. Lãi suất vay dù có giảm nhưng vẫn chưa vực dậy doanh nghiệp, cho thấy cần phải giảm hơn nữa để giúp doanh nghiệp mạnh dạn sản xuất kinh doanh. Đây có thể được xem là gói mồi để các ngân hàng muốn cạnh tranh đẩy tín dụng thu hút khách hàng sẽ phải giảm lãi suất vay. Chính vì vậy cần có một gói tín dụng mới kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống.

Trong khi các giải pháp hỗ trợ giảm lãi vay đang được tính toán thì tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) của một số ngân hàng gần đây cũng đang tăng dần lên, chẳng hạn MSB đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Nguyên nhân chính lý giải cho NIM gần đây tăng cao là do nợ xấu ngân hàng tăng. Tổng nợ xấu tại 27 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên thị trưởng chứng khoán chiếm hơn 113.000 tỉ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm.

Ông Phạm Thế Anh cho rằng sức ép lạm phát thường trực nên lãi suất hiện nay khó có thể hạ được. Thêm vào đó chi phí hoạt động và nợ xấu của ngân hàng cao hơn trước dẫn đến lãi vay trong nước khó có thể giảm sâu. Để giảm lãi vay, Chính phủ đừng thâm hụt ngân sách nhiều quá, dẫn đến vay mượn trên thị trường nội địa bằng cách phát hành trái phiếu, mỗi năm lên đến 500.000 tỉ đồng. Các ngân hàng sẽ mua trái phiếu chính phủ và khi đó nguồn vốn trên thị trường bị hút đi. Điều này dẫn đến khu vực tư nhân khó tiếp cận vốn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.