Không khó trồng nhưng khâu chọn phôi rất quan trọng
Trại nấm mối đen Bình Minh do anh Tuấn Anh và 4 người bạn phối hợp ông Nguyễn Văn Phương (60 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) triển khai từ tháng 8.2022. Trong đó, nhóm của Tuấn Anh hỗ trợ giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm, còn ông Phương là người trồng thí điểm. Trại nấm chỉ rộng 120 m², nhưng có sức chứa khoảng 15.000 phôi nấm.
Thử nghiệm trồng loại nấm quý, nhóm bạn trẻ thu tiền triệu mỗi ngày
Anh Tuấn Anh, trưởng nhóm, cho biết nấm môi ngoài tự nhiên có giá trị cao nhưng rất hiếm và mọc theo mùa. Nhận thấy được tiềm năng trồng cây nấm mối đen rất cao từ giá trị dinh dưỡng, giá thị trường nên quyết định tìm hiểu và đầu tư khởi nghiệp từ tháng 6.2022.
Ban đầu, nhóm của anh Tuấn Anh trồng thử nghiệm 1.500 bịch phôi. Sau thời gian trồng thành công và cải thiện quy trình, số phôi tăng lên liên tục và hiện nay đạt mốc 15.000 phôi.
Theo anh Tuấn Anh, nấm mối đen được nuôi trong môi trường nhân tạo, đảm bảo nhiệt độ duy trì từ 26 - 28 độ C; độ ẩm từ 85% trở lên. Bên trong nhà trồng nấm còn trang bị hệ thống quạt mát, phun sương điều khiển qua smartphone. Loại nấm này không khó trồng nhưng khâu lựa chọn phôi nấm chất lượng là rất quan trọng. Giá thể trồng cũng được nhóm thử nghiệm với nhiều loại như sơ dừa, mùn cưa… nhưng khi thu hoạch lại khó vệ sinh nấm thương phẩm. Sau đó, nhóm chuyển qua dùng cát làm giá thể để dễ dàng thu hoạch.
"Dinh dưỡng trong bịch phôi đã được nhà sản xuất làm đầy đủ, khi mua về người trồng chỉ cần tưới nước, kích ẩm đủ mỗi ngày để nấm phát triển", anh Tuấn Anh nói thêm.
Mô hình mới, lần đầu tiên triển khai tại địa phương
Hiện, trại nấm mối đen của nhóm anh Tuấn Anh thu hoạch từ 15 - 25 kg nấm/ngày, giá bán từ 250.000 - 350.000 đồng/kg (tùy loại), thu nhập từ 3 đến hơn 8 triệu đồng/ngày. Số tiền này được chia đều cho 5 thành viên trong nhóm. Thị trường tiêu thụ ở nhiều thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... Do nhu cầu tiêu thụ cao nên nấm mối đen luôn "đắt như tôm tươi".
Do rất ít người trồng nấm mối đen nên nhóm anh Tuấn Anh quyết định nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế nhà trồng và cung cấp phôi cho người dân vùng ĐBSCL. Trước mắt nhân rộng mô hình ở tỉnh Hậu Giang và bao tiêu đầu ra cho khách hàng.
Anh Huỳnh Lương Nhân (28 tuổi), người hỗ trợ kỹ thuật trong nhóm, cho biết: "Cả nhóm từng tham gia mô hình trồng nấm mối hỗ trợ sinh kế ở An Giang. Thấy được tiềm năng nó mang lại khá cao nên nhóm quyết định tìm hiểu sâu hơn, đầu tư và hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật để cùng trồng với người dân. Bước đầu đem lại hiệu quả tốt".
Đánh giá về hiệu quả canh tác nấm mối đen, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, ông kết hợp cùng nhóm của anh Nhân và anh Tuấn Anh trồng nấm mối đen. Mỗi ngày, ông thu hoạch từ 5 - 6 kg, thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Anh Phan Hữu Lực, Bí thư Xã đoàn Mỹ Hòa, cho biết đây là mô hình hoàn toàn mới và triển khai đầu tiên tại địa phương, do 5 bạn trẻ phối hợp với nông dân thực hiện và bao tiêu đầu ra nên đảm bảo thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân. Sắp tới, Xã đoàn Mỹ Hòa sẽ thường xuyên tổ chức cho thanh niên đến tham quan, học hỏi để khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm mối theo công nghệ hiện đại này.
Bình luận (0)