Đáp án trống tầm vông là trống cơm, chúng tôi đồng ý nhưng chưa hài lòng cách giải thích trống tầm vông là trống cơm, vì như thế chỉ đúng phân nửa mà thôi. Lý do tại sao ?
Trong Từ điển Nhật dụng thường đàm, Phạm Đình Hổ viết: ‘Yêu cổ là trống tầm vông’. Như vậy loại trống này không làm bằng cây tầm vông và tầm vông chỉ là tên gọi của trống. Vậy Yêu cổ (腰皷) là gì? Xin thưa, đây là loại trống thắt eo của Trung Quốc, phần giữa trống có một đoạn hẹp hơn hai đầu trống, trông giống như đồng hồ cát.
|
Ở những nước khác cũng có trống thắt eo tương tự, thí dụ Nhật Bản có loại trống Tsuzumi (鼓, つづみ), sử dụng trong nhạc cung đình Gagaku - một thể loại phát triển từ nhạc đời nhà Đường Trung Quốc và nhạc múa cổ Ấn Độ.
Ở Hàn Quốc thì có trống Janggu (장구), tức trống Trượng cổ, một biểu tượng nổi tiếng của đất nước này, thường được sử dụng trong bộ gõ Samulnori (사물놀이). Tại Việt Nam, trống tầm vông có tên cũ là Phong Yêu (tức trống lưng ong), gọi theo cấu trúc Hán Việt là ‘Phong yêu cổ’ (蜂腰皷).
Loại trống này nhỏ hơn trống Cao Lan, 2 mặt trống bịt da, một đầu có đường kính khoảng 15cm, đầu kia 20cm, khi diễn tấu thường được đặt nằm ngang, phát ra 2 âm trầm và bổng, nghe giống tiếng ‘tầm’ và ‘bông’ nên trống này còn được gọi là trống tầm bông, một loại trống xuất hiện trong bài Chơi Ả Đào của Trần Tế Xương: ‘Chơi cho thủng trống tầm bông’.
Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cũng từng giải thích về Phong Yêu cổ như sau: ‘giống như trống cơm, nhưng một mặt hơi to, giữa thắt lưng ong’. Có lẽ cái từ tầm bông bị đọc chệch thành tầm vông nên chúng ta còn thấy tên gọi “trống tầm vông” xuất hiện trong một số văn bản, tuy nhiên, đây không phải là tên chính thức. Trong danh mục nhạc cụ dân gian Việt Nam, trống tầm vông được gọi là “trống tầm bông” hay “trống bồng”.
Cách gọi trống tầm vông là trống cơm chưa thật chính xác, bởi vì nếu trét cơm lên mặt trống để định âm thì loại trống này mới có khả năng được gọi là trống cơm, còn không thì vẫn gọi trống tầm vông hay tầm bông.
|
Trong An Nam chí lược, Lê Tắc giải thích trống cơm: ‘nguyên nhạc khí của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm, bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng’ và cho biết vào thời nhà Trần, trống cơm được sử dụng trong dàn Đại nhạc với tên gọi là Phạn cổ ba (飯 古 波). Cái tên này còn được tìm thấy trong Chỉ Nam ngọc âm – một tác phẩm vào cuối đời nhà Trần.
Trống cơm xuất hiện từ thời nhà Lý (1009–1225), thường được sử dụng trong dàn Nhã nhạc, có hình thức khá giống trống Gineng (Gi năng) của người Chăm nhưng nhỏ hơn.
Tóm lại, trống tầm vông là cách gọi chệch của trống tầm bông, còn tên phổ biến hiện nay là trống bồng – một loại nhạc cụ màng rung, chi vỗ, thường được sử dụng trong dàn Đại nhạc của cung đình Huế, trên sân khấu Tuồng, Chèo ở miền bắc, trong dàn nhạc Ngũ âm, tức dàn nhạc lễ ở miền Nam và trong những lễ hội tại nước ta.
Cách gọi trống tầm vông là trống cơm chưa hoàn toàn chính xác, có lẽ vì thế mới nảy sinh những câu như: ‘Trống tầm vông, ai vỗ bập bùng, Làm cho con sít lội sông đi tìm. Sớm mai con mắt lim dim, Chân đi thất thểu như chim tha mồi’.
Bình luận (0)