Jessica tên thật Nguyễn Hữu Toàn, 29 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Câu chuyện về Jessica làm người nghe không khỏi chạnh lòng. Từ nhỏ, Jessica đã có những sở thích khác lạ, thích váy đầm, cài nơ, buộc tóc, búp bê...
Ba mẹ Jessica ban đầu chỉ nghĩ đó là sự hồn nhiên của trẻ con. Khi vào lớp 1, ở trường Jessica cứ đi nhà vệ sinh nữ, các thao tác như một bé gái. Những lời chọc ghẹo khiến em phải cố gắng che đậy.
tin liên quan
Đôi nam đồng tính hạnh phúc với ca sinh ba kỳ diệuMột cặp đôi đồng tính nam ở Nam Phi gây chú ý khi được cho là cặp đôi đồng tính nam đầu tiên trên thế giới được làm cha 3 đứa trẻ sinh ba bằng phương pháp mang thai hộ.
“Bạn bè thấy tôi là lại hô lên: “bóng, lại cái, đồ pê đê”. Tôi vẫn cố gồng để tỏ ra là con trai, không ẻo lả, đi đứng mạnh bạo”, Jessica nhớ lại và trải lòng: “Sau đó mẹ dắt tôi đến bệnh viện khám, bác sĩ bảo do rối loạn tâm sinh lý; còn ba thì mời thầy về nhà cúng bái, cho uống... bùa. Nhưng hơn ai hết chỉ có mình mới hiểu”.
Jessica tìm và đọc sách báo, thấy mình có những biểu hiện của người đồng tính. “Giáo dục giới tính là cuốn sách đã giải đáp cho những thắc mắc “mình là ai?”. Nhưng lúc ấy, vì sợ nên tôi thường đợi cả nhà đi ngủ rồi đốt đèn dầu để đọc”, Jessica nói.
Hải Minh (tên thật Nguyễn Bùi My My, 26 tuổi, quê Đồng Nai) cũng gặp cảnh trớ trêu khi sinh ra không có sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Đưa cho chúng tôi tấm hình một cô bé mũm mĩm, trắng trẻo, dễ thương, đôi mắt Minh hoe đỏ: “Em lúc nhỏ đấy. Mẹ mất sớm, nhà nghèo, không có điều kiện diện quần áo như các bạn khác, nhưng em chỉ thích đồ con trai, thích cảm giác mạnh bạo”.
Thiếu thốn tình cảm mẹ từ nhỏ, thương ba vất vả làm phụ hồ nuôi các con, Minh luôn cố gắng giấu, ra vẻ thùy mị, nhẹ nhàng... Mãi đến khi vào năm nhất đại học, em mua sách tìm hiểu và mới biết mình “thân sâu” nhưng lại “hồn bướm”...
Câu chuyện của anh Phạm Thành Trung (36 tuổi, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) còn buồn hơn rất nhiều. Ký ức tồi tệ xảy ra năm anh 13 tuổi, khi đến nhà thầy học thêm, bị chính người thầy lạm dụng tình dục kéo dài gần 2 năm. Nỗi sợ hãi và chôn mình vào ký ức khiến anh thu mình lại, ngại giao tiếp. Khi lên cấp 3, với bề ngoài điển trai, giọng Hà thành trầm ấm, Trung hút hồn bao nhiêu cô gái, nhưng đáp lại là cảm giác anh cứ trơ ra. Sinh ra ở thủ đô, nhà khá giả, nên việc tiếp cận và tìm hiểu thông tin về giới tính thứ ba đối với anh Thành Trung dễ hơn...
Anh tâm sự: “Đến năm lên cấp 3, trái tim mình lại rung động với bạn trai cùng lớp. Tình đầu đơn phương khiến tim đau xé khi không được đáp lại…”.
|
“Sống thật” và khẳng định mình
“Ban đầu tôi cố để không thể bị lộ, dùng thời trang để che giấu, chọn cho mình quần áo trung tính hợp cả nam và nữ. Nhưng thú thật sống như thế vô cùng mệt mỏi, nên đến lúc phải nói sự thật”, Jessica kể lại. Khoảnh khắc cả cuộc đời này Jessica không bao giờ quên là khi thú nhận với mẹ về giới tính của mình. Kể từ ngày đó, tiếng cười trong gia đình thay bằng không khí nặng trĩu của sự im lặng, sự tránh mặt nhau thậm chí cả ở bữa cơm cứ thế kéo dài suốt 3 năm.
Hàng xóm, bạn bè xem Jessica như đứa “lửng lơ tám vía”. Hụt hẫng, bỏ nhà đi bụi và 2 lần tìm đến cái chết, sau đó Jessica chọn cho mình lối thoát là vào chùa, nghe kinh niệm Phật. “Khi đã vô chùa sống, tâm mình nhẹ nhàng lại, lúc ấy nghĩ tới cuộc đời ngoài kia bao số phận bất hạnh hơn mà họ vẫn có thể sống, làm việc, vươn lên, tại sao mình phải bỏ cuộc?”, Jessica nói.
Năm 2014, Jessica mở một tiệm “Cà boutique” (Q.5) cho thuê trang phục biểu diễn, do tự tay Jessica thiết kế, make up, hóa trang…, vừa làm vừa tích góp đủ tiền sang Thái Lan phẫu thuật. Vượt qua được tất cả cay đắng, dị nghị và đã thành công, từng đại diện cho người chuyển giới đứng trước Quốc hội nói về nguyện vọng của mình, nay cộng đồng người đồng tính, chuyển giới không một ai không biết đến cái tên Jessica. Chứng kiến niềm vui khi ba mẹ mặc quần áo do con thiết kế và khoe: “Con bé Toàn nhà tôi tự vẽ và may đấy!”, khiến Jessica cảm thấy cuộc đời hạnh phúc.
Dũng cảm “tự thú” để có đời sống thoải mái hơn, Hải Minh nói chuyện giới tính của mình cho anh trai. Khi biết chuyện, ba và gia đình bên ngoại Hải Minh đều phản đối quyết liệt, chì chiết. Minh sợ hãi khi mỗi lần giỗ mẹ, người ta hỏi: “Đứa con gái chị Hằng (mẹ Minh - PV) lớn vậy đó sao?”. Cảm thấy có lỗi, Minh quyết học tập và đã tốt nghiệp thạc sĩ, làm cho một công ty ở Q.1, TP.HCM lương khá cao, rồi sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới nam. “Ngày phẫu thuật về, ba đợi tôi ở sân bay và nói “chào mừng con trai trở về”. Tôi vui khôn tả!”, Minh nhớ lại mà vẫn còn ứa nước mắt, rồi hồ hởi khoe về dự định sang năm 2017 sẽ xây nhà mới cho ba, lo việc học cho em, và những chuyến thiện nguyện cuối năm nay…
Trong khi đó, bố mẹ đều là viên chức trong ngành y, nên việc con trai mình thuộc “thế giới thứ ba” là điều khó chấp nhận khi Thành Trung “sống thật”. Trung bị đuổi ra khỏi nhà. Cứ nghĩ một lần đánh đổi sẽ được sống thật với chính mình, nhưng rồi những cú sốc liên tiếp, người yêu đồng giới tên K. nhảy cầu Long Biên (Hà Nội) tự tử, mẹ mất vì ung thư… khiến Trung từng tìm đến cái chết.
Anh nói như muốn khóc: “Mọi thứ đến dồn dập từ ngày mình công khai là gay, nhưng số phận trời sinh như thế, có muốn cũng không thay đổi được”. Sau khi mẹ mất, Trung chuyển sang làm báo, phụ trách lĩnh vực thời trang, ngôi sao điện ảnh… và rời thủ đô vào Sài thành mong quên đi những vết thương lòng. Tài năng của anh, giới showbiz Việt đều biết đến với công việc quản lý 12 nghệ sĩ nổi tiếng, thu nhập cao. Trung trải lòng: “Chỉ cần sống tốt là đủ minh chứng cho tất cả”…
|
Còn Huỳnh Thái (tên thật Huỳnh Lưu Đặng Thái, 32 tuổi, Q.3), giờ là một người khá nổi tiếng ở TP.HCM, có nhiều tài năng trên lĩnh vực phim ảnh, thời trang. Nhưng để có được hôm nay, Thái cũng phải trải qua những nỗi niềm tưởng chừng sẽ không gượng dậy, nhất là lúc cả nhà biết Thái bị gay cũng là lúc ba mẹ chia tay nhau. Thương mẹ, Thái vực dậy, “đạp lên dư luận” lao mình vào học tập và hiện là đạo diễn một số phim ngắn, show thời trang, nhạc kịch... Trong đó, phim ngắn Đường về nằm trong chuỗi sự kiện giải thưởng Dải băng đỏ 2015 (nhằm kêu gọi cộng đồng giảm kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS).
Không ai có quyền lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn cách sống của mình. Với người đồng tính, chuyển giới, để được sống thật với bản thân đã là khó, để thành công lại càng khó hơn. Nhưng nhiều người chúng tôi đã gặp và chia sẻ đã chứng minh họ luôn nỗ lực sống tốt, vượt qua những thử thách, khó khăn để khẳng định mình, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn…
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua quyền chuyển đổi giới tính. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật.
|
Bình luận (0)