Là vì thành phố còn thiếu vắng một dịch vụ công cộng rất cần thiết cho người dân: các trụ nước uống tại vòi đảm bảo tiêu chuẩn nước uống (đáp ứng QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống). Dịch vụ công cộng này phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, ở Việt Nam cũng đã có một số tỉnh thành triển khai.
Tháng 9.2020, TP.HCM ghi nhận sự kiện trường công lập đầu tiên có trụ uống nước tại vòi (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Chương trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công cộng được UBND TP.HCM đưa vào khung kế hoạch 2021 - 2025 với mục tiêu “thí điểm”: lắp đặt 1.500 - 2.000 trụ nước uống tại vòi trên địa bàn thành phố.
Đúng là TP.HCM có những khó khăn rất thực tế để triển khai các trụ công cộng nước uống tại vòi do hạ tầng cấp nước nhiều khu vực được đầu tư từ thời Pháp thuộc, đường ống cũ vừa gây thất thoát nước vừa khó đảm bảo an toàn vệ sinh khi đặt vấn đề tổ chức trụ công cộng nước uống tại vòi cho người dân. Nhưng, khó khăn nào cũng đều có thể có giải pháp phù hợp để tháo gỡ, nhất là trong trường hợp này, các đầu tư về kỹ thuật sẽ không quá phức tạp nếu chính quyền quyết tâm đưa mục tiêu rất nhân văn này vào tầm ngắm phát triển của một thành phố nỗ lực theo đuổi các giá trị văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Người dân sẽ rất vui khi những điều nho nhỏ không quá xa vời, thiết thực với đời sống hằng ngày, được chính quyền thật sự quan tâm triển khai thực hiện, không vì chút gì đó khó ngại mà bỏ qua không tính đến, không lên kế hoạch để làm. Bên cạnh những đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, cho giao thông công cộng, việc quan tâm đầu tư những hạng mục nhỏ hơn nhưng rất thiết thực chắc chắn sẽ đem lại niềm vui cho người dân. Điều đó cũng sẽ cho thấy sự kết nối giàu tính nhân văn giữa năng lực đáp ứng dịch vụ công của chính quyền với nhu cầu dân sinh.
Nhìn rộng ra, các địa phương khác cũng nên đặt vấn đề tương tự trong kế hoạch phát triển năng lực dịch vụ công cộng ở các đô thị. Không phải chỉ là có quảng trường, có nhà hát mà còn là xe buýt, vườn hoa, công viên... và cũng đừng quên có trụ nước uống tại vòi. Đó là chưa nói đến điều mà các quốc gia phát triển khác đã làm từ lâu: nước từ hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt là có thể uống được. Chẳng nên cứ mãi dựa vào lòng tốt của những người dân tự nguyện cung cấp bình nước uống miễn phí trên lề đường mà quên nghĩ đến việc thay thế điều đó bằng một chương trình đầu tư rất có trách nhiệm của chính quyền.
Cải thiện điều kiện tiếp cận nước sạch cần phải được xem là một loại chỉ số phát triển. Giống như trường hợp Việt Nam theo đuổi cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng trong so sánh với các quốc gia, đưa Việt Nam lên vị trí 27 trên 190 quốc gia từ năm 2018. Cũng nên theo đuổi những chỉ số tương tự như vậy đối với dịch vụ cấp nước để có thể tạo ra những thay đổi rất hữu ích cho cuộc sống của người dân.
Bình luận (0)