Trang EarthSky thông tin vào ngày 5.7, khi đi qua điểm viễn nhật, trái đất sẽ nằm xa mặt trời nhất trong năm. Hành tinh xanh của chúng ta sẽ cách mặt trời 152.099.968 km.
Còn Space.com thì thông tin thêm ngược lại với điểm viễn nhật, vào ngày 2.1 năm nay, trái đất đã ở điểm cận nhật, điểm gần mặt trời nhất. Sự khác biệt về khoảng cách giữa hai điểm này là 4.999.337 km, hay 3,3%, tạo ra sự khác biệt về nhiệt bức xạ mà trái đất nhận được gần 7%.
"Do đó, đối với Bắc Bán Cầu, sự khác biệt này sẽ làm ấm mùa đông của chúng ta và làm mát mùa hè của chúng ta", Space.com thông tin thêm.
Mặt trời sẽ trông nhỏ hơn?
Theo các nhà nghiên cứu, khi trái đất tới điểm viễn nhật, mặt trời sẽ trông nhỏ hơn một chút. Tuy nhiên, khác biệt này không thể nhận thấy bằng mắt thường. Bên cạnh đó, sự thay đổi khoảng cách giữa mặt trời và trái đất không liên quan đến các mùa.
Bởi, mùa là kết quả của trục trái đất nghiêng. Bắc bán cầu đang trải qua mùa hè do nửa bắc của trái đất nghiêng về phía mặt trời. Trong khi đó, Nam bán cầu đang trải qua mùa đông vì nửa nam hành tinh xanh chúng ta nghiêng ra xa.
Timeanddate cho biết sự kiện viễn nhật xảy ra 1 lần mỗi năm, thường diễn ra khoảng 2 tuần sau điểm chí tháng 6. Điểm chí tháng 6 đánh dấu ngày đầu tiên của mùa hè ở Bắc bán cầu (hạ chí) và ngày đầu tiên của mùa đông ở Nam bán cầu (đông chí). Tương tự, sự kiện cận nhật diễn ra sau điểm chí tháng 12 khoảng 2 tuần.
Cũng theo Timeanddate, trái đất qua điểm viễn nhật lúc 12 giờ 6 phút hôm nay (theo giờ ở TP.HCM). Do sự thay đổi về độ lệch tâm của quỹ đạo trái đất, ngày trái đất đạt đến điểm cận nhật hoặc điểm viễn nhật không cố định.
Vào năm 1246, ngày đông chí trùng với ngày trái đất đạt đến điểm cận nhật. Kể từ đó, ngày cận nhật và điểm viễn nhật trôi đi một ngày sau mỗi 58 năm. Trong ngắn hạn, ngày có thể thay đổi tới 2 ngày từ năm này sang năm khác.
Tối nay Việt Nam cũng xảy ra hiện tượng trăng mới. Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía với mặt trời so với trái đất và sẽ không thể nhìn thấy trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xuất hiện lúc 19 giờ 49 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các đối tượng mờ như các thiên hà và cụm sao vì không có ánh sáng mặt trăng cản trở.
Bình luận (0)