(TNO) Lúc 23 giờ 30 đêm 20.10, phóng viên Ngọc Minh đang có mặt tại hiện trường tìm kiếm chiếc xe bị lũ cuốn và những nạn nhân xấu số cho biết: Hiện tại, sau khi phát hiện ra vị trí chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi, các đội cứu hộ đã triển khai phong tỏa hai lối dẫn vào hiện trường. Đồng thời, đội cứu hộ dùng lưới trùm lên toàn bộ thân xe để bảo đảm các thi thể nạn nhân không bị nước lũ cuốn ra ngoài.
Song, do đêm tối, điều kiện trục vớt không an toàn nên có thể phải đợi đến rạng sáng ngày mai, đội cứu hộ mới có thể tiến hành kéo chiếc xe khách cùng các nạn nhân bên trong lên.
Hiện nước lũ đang có chiều hướng chững lại, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu rút. Lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng lực lượng công an, bộ đội... và cả các doanh nghiệp góp sức trong việc tìm kiếm chiếc xe khách đều có mặt tại hiện trường để tham gia hỗ trợ quá trình trục vớt. Thanh Niên Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến cuộc trục vớt chiếc xe và các nạn nhân bị lũ cuốn.
Lực lượng công binh túc trực tại hiện trường
Xe cứu thương sẵn sàng tại hiện trường
Người dân tập trung nơi chiếc xe chìm (12 giờ đêm 20.10)
Người dân theo dõi cuộc tìm kiếm chiếc xe khách và các nạn nhân bị lũ cuốn - Ảnh: Ngọc Minh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngày 20.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thị sát hậu quả lũ lụt tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Thủ tướng đến thăm hỏi và tặng quà động viên bà con vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh, trong đó, Thủ tướng đặc biệt biểu dương tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong hoạn nạn của những người dân có nhà cao tầng đã nấu cơm hỗ trợ người dân sơ tán trong những ngày tránh lũ. Tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ. Chịu hai trận lũ lớn liên tiếp, Quảng Bình có 53 người chết, 6 người mất tích, 96 bị thương, thiệt hại khoảng 2.218 tỉ đồng, Nghệ An thiệt hại 1.600 tỉ đồng, Hà Tĩnh thiệt hại gần 5.340 tỉ đồng. Riêng Hà Tĩnh, 70% số xã bị ngập sâu trên 1,5 mét khiến 21 người chết và mất tích cùng 26 người khác bị thương. Đặc biệt nghiêm trọng là hiện nay vẫn chưa tìm thấy 20 hành khách mất tích của xe khách 48K - 5868. Trước những khó khăn đó, mỗi địa phương đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm 5.000 tấn gạo, 500 - 800 tấn giống cây trồng cho sản xuất vụ Đông Xuân sắp đến, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc men chống dịch bệnh, hóa chất xử lý môi trường... Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ cấp thêm nhiều ca nô, thuyền máy nhằm phục vụ sơ tán dân, cứu người khi lũ về. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học nhận định, hai cơn lũ trong chưa đầy nửa tháng khiến Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình rơi vào tình trạng ngập lụt lịch sử, đồng thời việc các hồ chứa xả lũ, đặc biệt là hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đã tăng thêm lưu lượng nước phía hạ lưu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa, khắc phục bất cập của Nhà máy thủy điện Hố Hô. Về lâu dài, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cho chủ trương quy hoạch, lập dự án hạ tầng “sống chung với lũ” ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ và hạ du hồ Kẻ Gỗ. Sau khi gửi lời hỏi thăm đến người dân các tỉnh chịu nhiều thiên tai mất mát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các lực lượng công an, quân đội trong công tác cứu hộ cứu nạn, yêu cầu các cơ quan ban ngành không được để người dân đói, rét, bằng mọi cách phải tìm được người mất tích, trợ giúp gia đình có người bị nạn, ngành Y tế dứt khoát không để xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đồng bào cả nước chia sẻ và đóng góp cho người dân vùng lũ nhiều ngày qua. Thủ tướng đồng ý hỗ trợ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế 14.000 tấn gạo, 730 tỉ đồng, trong đó, riêng Hà Tĩnh được cấp 250 tỉ đồng và 5.000 tấn gạo, Quảng Bình 250 tỉ đồng và 3.000 tấn gạo, Nghệ An 100 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo. Nguyễn Tú |
(TNO) Lúc 17 giờ 50 phút ngày 20.10, từ vết dầu loang nổi lên từ đáy sông Lam, thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cách vị trí của chiếc xe khách bị nạn khoảng hơn 1 km về phía hạ lưu, lực lượng tìm kiếm đã xác định được vị trí của chiếc xe ô tô khách bị lũ cuốn đang chìm dưới sông Lam.
Vào lúc 19 giờ 45 phút ngày 20.10, ông Nguyễn Nhật, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gặp gỡ gia đình các nạn nhân trên chiếc xe bị lũ cuốn nhằm bàn bạc phương án xử lý và nghe nguyện vọng của phía thân nhân. Hầu hết các gia đình nạn nhân đều mong lực lượng tìm kiếm sớm đưa thi thể các nạn nhân lên bờ và hỗ trợ khâm liệm, vận chuyển về quê an táng. Ông Nhật cho biết, tỉnh sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng nguyện vọng của bà con. Hiện gia đình các nạn nhân được bố trí ăn nghỉ tại khách sạn Lam Kiều, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Được biết, chiều nay các doanh nghiệp của TP Vinh (Nghệ An) đã tự túc thuê hai chiếc tàu hút cát lớn của tư nhân đề nghị được tham gia tìm kiếm những nạn nhân xấu số, và chính hai con tàu này đã phát hiện ra vết dầu loang này. Hiện các lực lượng tìm kiếm đang triển khai các biện pháp để trục vớt chiếc xe xấu số cùng với các nạn nhân. Ngay sau khi nhận được thông tin về vị trí chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi, phóng viên Thanh Niên Online đã liên hệ với ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, để hỏi về các phương án xử lý tiếp theo.
Trao đổi qua điện thoại, ông Cự cho biết: Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng đang họp khẩn bàn phương án trục vớt chiếc xe và các nạn nhân xấu số. Nếu khả năng cho phép thì các lực lượng sẽ trục vớt chiếc xe trong đêm nay.
Được biết, từ sau khi sự việc chiếc xe gặp nạn xảy ra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị mọi phương án như: bố trí địa điểm tiếp nhận thi thể nạn nhân, bố trí hòm ván khâm liệm ban đầu, phương tiện để chở thi thể nạn nhân về quê an táng theo phong tục,... Xác chiếc xe được xác định nằm cách bờ 150m, ở độ sâu 10m.
* Cùng ngày, đã xác định thêm danh tính 3 người mất tích nữa trong vụ xe khách vị lũ cuốn. Đó là: Hà Văn Luyến (46 tuổi, trú tại Đắk Nông) cùng hai mẹ con Trần Thị Huệ (36 tuổi) và Phạm Thị Vy (2 tuổi), trú tại xã Hải Phương, H.Hải Hậu (Nam Định), nâng tổng số người mất tích lên con số 21 người. Tuy nhiên, trong danh sách 21 nạn nhân này, có một người tên là Nguyễn Thị Thắm quê Diễn Châu (Nghệ An) là chưa có người nhà đến ghi danh, mà chỉ báo qua điện thoại. Cũng sáng nay, tại khu khu vực Cầu Rong, thuộc địa phận xã Xuân Lam (sau 3 ngày vẫn chưa tìm thấy tung tích các nạn nhân xấu số), UBND H.Nghi Xuân và các thân nhân của những người bị nạn đã tổ chức lễ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số.
Cầu siêu cho các nạn nhân xấu số * Khoảng 16 giờ 30 chiều 20.10, các lực lượng cứu hộ đã phát hiện một vết dầu loang liên tục nổi lên từ đáy sông Lam, thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cách vị trí của chiếc xe khách bị nạn khoảng hơn 1 km về phía hạ lưu. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng cứu hộ đã triển khai các phương tiện và thợ lặn để tìm kiếm. Thông tin ban đầu cho biết, hiện đã phát hiện một vật nặng dưới sông (nghi là chiếc xe khách), và rất có thể vết dầu loang là của chiếc xe xấu số này. Công tác tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương. * Trước đó, phóng viên Ngọc Minh từ Hà Tĩnh trưa nay (20.10) điện về cho biết, hiện việc tìm kiếm chiếc xe khách và các nạn nhân bị lũ cuốn trôi xuống sông vẫn chưa có kết quả. Khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện hiện đại làm việc suốt đêm qua đến sáng nay nhưng chiếc xe khách vẫn biệt tăm dưới dòng nước lũ mênh mông. Gương mặt của người thân các nạn nhân mất tích cùng chiếc xe mỗi lúc một hằn thêm nỗi đau khổ. Sau khi nỗ lực tìm kiếm tại khu vực cầu Bến Thủy trên sông Lam, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 4 km không có kết quả, lực lượng tìm kiếm đã trở ngược lại phía sông La, tìm kiếm ở khu vực cầu Rong, cách địa điểm xảy ra tai nạn khoảng 1 km. (Ngọc Minh - Khánh Hoan) Nghệ An: 50.000 đồng/xe máy qua đoạn đường ngập Cho đến sáng nay, quốc lộ 46 đoạn qua các xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên và xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn ngập sâu trong nước. Dịch vụ ăn theo lũ xuất hiện với hàng chục chiếc xe tải. Người dân địa phương đã mang xe tải ra làm dịch vụ trung chuyển xe máy qua đoạn đường ngập. Quãng đường khoảng 2 km, giá chở mỗi xe máy qua đoạn ngập nước này là 50.000 đồng. (Khánh Hoan)
Vị trí tìm được chiếc xe
Thợ lặn lần theo dây rà tìm này để xác định vị trí xe đang chìm
Thợ lặn chuẩn bị tiếp cận chiếc xe gặp nạn
Hai chiếc xà lan dò tìm chiếc xe bị nạn - Ảnh: Khánh Hoan
Xe máy phải lụy xe tải để băng qua đoạn ngập lũ
Cố vượt qua đoạn đường ngập nước, xe máy đều bị chết máy
Những chuyến xe tải chất đầy xe máy và người băng qua đường ngập lũ
Khổ sở để qua đoạn ngập nước
CSGT và Thanh tra giao thông bất lực trước nước lũ
46 người chết, 21 người mất tích vì mưa lũ * Đề nghị hỗ trợ 2.830 tỉ đồng để khắc phục hậu quả Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay 20.10 cho biết, mưa lũ lịch sử tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong những ngày vừa qua đã làm ít nhất 46 người chết, 21 người mất tích và 18 người bị thương. Trong số những người chết, Nghệ An có 16 người, Hà Tĩnh 21 người, Quảng Bình 8 người, Thanh Hóa 1 người. Cả 21 người mất tích đều ở Hà Tĩnh. Quảng Bình có 16 người, Nghệ An có 2 người bị thương. Mưa lũ cũng đã nhấn chìm, làm đổ, sập, trôi và tốc mái tổng cộng 211.378 ngôi nhà của người dân. 193 trường học, trụ sở cơ quan bị ngập và hư hại; 55.943 ha lúa và hoa màu bị ngập và đổ; trên 35 ngàn con gia súc và gia cầm chết... - UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh đề nghị cứu trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo để cứu đói cho dân. Các tỉnh vùng thiên tai cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.316 tấn giống lúa và ngô giống; 390 tấn giống rau, khoai tây, đậu tương giống; 1.120 cơ số thuốc phòng trừ dịch bệnh. Các địa phương cũng đề nghị được hỗ trợ 2.830 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ. (Quang Duẩn) |
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư sáng nay, lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An), mực nước các sông ở Hà Tĩnh và hạ lưu sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống.
Mực nước lúc 7 giờ ngày 20.10 trên một số sông như sau: Sông Cả tại Nam Đàn: 7,28m, trên báo động (BĐ) 2: 0,38m. Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ: 14,05m, trên BĐ3: 0,55m; tại Hòa Duyệt: 11,23m trên BĐ3: 0,73m. Sông La tại Linh Cảm: 6,42m, dưới BĐ3: 0,08m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 2,25m, trên BĐ2: 0,05m.
Dự báo lũ hạ lưu sông Cả, các sông ở Hà Tĩnh và sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở hạ lưu sông Cả (Nghệ An) và các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục diễn ra. Đề phòng sạt lở đất ở vùng ven sông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
* Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 7 giờ sáng nay 20.10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 117,2 độ kinh đông, trên khu vực phía đông biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 21.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ bắc; 116,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.
|
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 22.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 115,3 độ kinh đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 23.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc, 114,8 độ kinh đông, trên vùng biển Hồng Kông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 - 14m; biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội. (Tiến Dũng)
"Xin hãy cứu chúng tôi!" Đó là lời kêu cứu nhói lòng của chị Phan Thị Thanh ngụ tại xóm 3, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) qua điện thoại vào chiều tối 18.10, khi chị và hàng chục hộ dân tại đây bị mắc kẹt không thể di chuyển ra khỏi vùng biệt lập này do nước ngập sâu. Chị Thanh cầu cứu qua điện thoại: “Cả xã chúng tôi, hàng chục hộ dân tại thôn 3 không thể di dân được nữa. Xin hãy cứu chúng tôi!”. Nghe tiếng kêu cứu của chị Thanh mà chúng tôi đau nhói lòng. Ngay lập tức chúng tôi đã cấp báo sự việc lên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Đức Thọ. Do tối 18.10, mưa lớn, nước từ thượng nguồn các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các huyện Hương Khê, Hương Sơn chảy về với lưu lượng lớn, ập vào 28 xã của huyện Đức Thọ, khiến hơn 8.000 hộ dân tại đây bị ngập sâu trong nước. Sáng nay 19.10, bằng mọi cách chúng tôi đã có mặt tại xóm 3, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ để ghi nhận tình hình mưa lũ tại đây. Hàng trăm căn nhà bị nước ngập gần tới nóc, nhiều người đang lênh đênh bơi trên mặt nước hung dữ để di chuyển tài sản, gia súc. Những cái lán sơ sài đang được cắm tạm trên dọc đường quốc lộ 8A, đê La Giang cho người và gia súc trú nạn.
Xã Trường Sơn có 13 thôn, thôn 3 là nơi ngập lụt nặng nhất, gần 70 hộ dân đang sống thấp thỏm trên mặt nước. Những người đàn ông trai tráng mạo hiểm chèo thuyền gỗ hàng trăm mét để vào tận những ngôi nhà ngập sâu cứu những cụ già, trẻ em. Hiện bà con nơi đây đang tránh nạn tại dọc các con đường quốc lộ và đê La Giang, họ sống lay lắt chờ cứu trợ từ lực lượng bên ngoài. Hàng chục người già, trẻ em xã này cơ bản đã đi trú nạn trên núi, còn những thanh niên trai tráng ở lại giữ tài sản, chăm sóc gia súc.
Trên con đê La Giang (đê lớn nhất Hà Tĩnh) hàng trăm hộ dân sơ tán tại đây với trâu bò, lợn gà nằm la liệt. Hai cụ Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Loan, ngụ ở xã Trường Sơn, đang được con cháu chở đi về thị trấn để trú nạn. Do mưa lớn, nước lụt dâng cao, hai cụ phải dắt tay nhau lội qua những dòng nước lớn, chảy xiết. Hiện huyện Đức Thọ có 10/28 xã (Đức Đồng, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Hòa, Trường Sơn, Liên Minh, Đức Tùng, Đức Châu, Đức Thịnh, Đức La) bị ngập sâu từ 5 - 8m.
Vấn đề nan giải hiện nay cho bà con vùng lũ Đức Thọ là lực lượng cứu hộ rất mỏng, chủ yếu người dân tự xoay sở. Hiện tại mọi người đang rất cần cứu trợ gấp mì tôm, nước uống và thực phẩm thiết yếu khác. “Biết rằng, vùng rốn lũ là Hương Khê, Vũ Quang nhưng xin các cơ quan chức năng, tấm lòng hảo tâm trong cả nước chia sẻ với đồng bào vùng lũ Đức Thọ. Nhất là hàng trăm bà con đang sống lay lắt, yếu ớt trên dọc trục đường quốc lộ và đê La Giang”, chị Thanh buồn bã nói. (Bài, ảnh: Trương Hoa) |
Hôm 19.10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp ứng phó với cơn bão Megi.
Tính đến cuối chiều 19.10, ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc được trên 8.000 tàu thuyền đang đánh bắt ở các ngư trường, trong đó trên 6.000 tàu thuyền với 23.846 ngư dân đã vào neo đậu ven bờ; còn lại đang hoạt động đánh bắt thủy sản ở các ngư trường từ Hải Phòng đến Kiên Giang và ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Tại cuộc họp, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão này, đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương vận động nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa; sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng thấp trũng, vùng ven biển, ven sông và vùng hạ lưu các hồ đập bị hư hỏng đến nơi an toàn… (Nghệ Bình)
Chính phủ hỗ trợ kinh phí, gạo cho Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị Theo đó, số kinh phí và gạo trên được phân bổ như sau: Nghệ An 50 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo; Hà Tĩnh 20 tỉ đồng và Quảng Trị 1.000 tấn gạo. Cùng với hỗ trợ kinh phí và gạo, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trích 20 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2010 tạm ứng kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31.12.2009. Cụ thể, hỗ trợ 15 tỉ đồng cho tỉnh Nghệ An và 5 tỉ đồng cho tỉnh Hà Tĩnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ và sử dụng số gạo, kinh phí được hỗ trợ, tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng và quy định hiện hành; đồng thời chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương, cơ quan và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định để khắc phục hậu quả bão, lũ. (TTXVN) |
Hơn 5,3 tỉ đồng giúp đồng bào vùng lũ * Tập đoàn VinGroup ủng hộ 1 tỉ đồng Tính đến 18 giờ ngày 19.10, bạn đọc Báo Thanh Niên đã đóng góp cứu trợ đồng bào vùng lũ hơn 5,3 tỉ đồng. Chiều 19.10, tại cuộc họp khẩn về việc cứu trợ cho đồng bào vùng lũ, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã quyết định thành lập “Tổ công tác hỗ trợ việc cứu trợ lũ lụt” nhằm tăng cường lực lượng cán bộ, phóng viên ra miền Trung để khẩn cấp cứu trợ, thông tin về hoạt động cứu trợ cho người dân vùng lũ, đồng thời ghi nhận tình hình người dân miền Trung phòng tránh cơn bão Megi có thể xảy ra sắp tới. Ban biên tập Báo Thanh Niên cũng đã quyết định khởi động chương trình “Ngôi nhà nhân ái” nhằm xây dựng nhà cửa cho bà con bị lũ cuốn trôi trong các cơn lũ vừa qua. Sau khi lũ rút, Báo Thanh Niên sẽ triển khai làm việc với các địa phương để xây dựng 23 căn nhà cho bà con 2 tỉnh Quảng Bình (13 căn) và Hà Tĩnh (10 căn) với tổng số tiền chi cho chương trình “Ngôi nhà nhân ái” đợt này là trên 800 triệu đồng, từ nguồn giúp đỡ của bạn đọc trong thời gian qua. Chiều ngày 19.10, bà Đào Ngọc Quyên, đại diện Quỹ từ thiện cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam (VNIF) đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên trao 100 triệu đồng (ảnh) giúp đồng bào miền Trung xây dựng nhà, khắc phục hậu quả lũ lụt. Số tiền tài trợ này sẽ được sử dụng giúp các hộ nghèo bị lũ cuốn trôi nhà cửa, nằm trong chương trình “Ngôi nhà nhân ái” do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên phát động. Trước đó, ngày 10.10 cùng với PV Báo Thanh Niên, quỹ VNIF đã đến tỉnh Hà Tĩnh trao trực tiếp 100 phần quà trị giá 100 triệu đồng cho người dân vùng lũ. Đại diện của Quỹ VNIF cũng thông báo, sắp tới VNIF sẽ phối hợp với Báo Thanh Niên tiếp tục ủng hộ chương trình “Ngôi nhà nhân ái” thêm 150 triệu đồng. P.B.C - T.T - T.T.B |
Bình luận (0)