Facebook là mạng xã hội nước ngoài phổ biến nhất
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 diễn ra mới đây, tổng số tài khoản người Việt sử dụng mạng xã hội nước ngoài khoảng 203 triệu. Con số này của mạng xã hội trong nước đạt khoảng 110 triệu.
Nhóm ba mạng xã hội nước ngoài có số lượng tài khoản người dùng đông nhất gồm Facebook (72 triệu tài khoản), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu tài khoản). Với số dân Việt Nam ước đạt gần 100 triệu người (tính đến thời điểm gần cuối tháng 11.2024, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc), trung bình mỗi người Việt đang sở hữu ít nhất 2 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá trong năm qua, các nền tảng xuyên biên giới đã có nhiều bước tiến, tích cực hợp tác với cơ quan quản lý tại Việt Nam để xử lý các vấn đề còn tồn đọng như nội dung vi phạm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết, nâng cao cảnh giác với tình trạng tin giả, lừa đảo.
Tuy nhiên, tình hình hiện vẫn còn những vấn đề phức tạp, dù đã có nỗ lực nhưng các nền tảng xuyên biên giới vẫn chưa thể kiểm soát hết nội dung quảng cáo để tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn liên tục thay đổi thuật toán, hình thức phân phối nội dung tới người dùng, dẫn đến những khó khăn trong việc phát hiện các sai phạm; các nhóm vi phạm thường lợi dụng công nghệ để lẩn trốn, sử dụng tài khoản ẩn danh, che giấu thông tin.
Mạng xã hội Việt đang chiếm ưu thế
Dù sức ảnh hưởng và tác động của thông tin trên các mạng xã hội trong nước vẫn còn hạn chế so với những nền tảng xuyên biên giới, một số đơn vị nội địa dần thu hút được đông người sử dụng và ủng hộ từ trong nước. Báo cáo của Bộ đánh giá hiện nay một số mạng xã hội trong nước đã có nỗ lực bứt phá để thu hút người dùng.
Trong đó, nổi bật là số người dùng Zalo hằng tháng (số liệu tới hết tháng 6.2024) là 76,5 triệu, cao hơn các mạng xã hội quốc tế. Như vậy, tính về số lượng người dùng, Zalo đang là nền tảng dẫn đầu tại Việt Nam, xếp sau là Facebook, YouTube, TikTok... Một cái tên mới nổi gần đây là YooLife khi nhanh chóng lọt top 10 mạng xã hội phổ biến nhất trên App Store (dành cho iOS), thứ 4 trong danh mục ứng dụng miễn phí phổ biến trên Google Play (Android) tại Việt Nam thời gian gần đây.
Ngoài những cái tên vừa nêu, trong năm 2024 đã có thêm 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép. Như vậy, tính đến ngày 15.11.2024 có 1.056 giấy phép thiết lập mạng xã hội được cơ quan quản lý cấp.
Thời gian tới, sẽ có những chính sách mới có tính ảnh hưởng và thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam. Có thể kể đến như quy định về bắt buộc mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân; chỉ tài khoản đã xác thực mới được cung cấp (viết bài, bình luận, livestream), chia sẻ thông tin trên mạng xã hội...
Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream (phát sóng trực tiếp) với mục đích thương mại (tức bán hàng, có phát sinh doanh thu) phải xác thực bằng số định danh cá nhân. Người dùng trên 16 tuổi mới được tạo tài khoản mạng xã hội để sử dụng. Trường hợp người dùng dưới 16 tuổi muốn sử dụng mạng xã hội phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp.
Những thay đổi này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bình luận (0)