Vấn nạn bán hàng giả trên Facebook không còn xa lạ khi nhiều trang giả mạo người nổi tiếng, hay các thương hiệu được lập tràn lan để lừa đảo. Điều đáng nói là dù đã có rất nhiều báo cáo từ chính nạn nhân lẫn người dùng, tình trạng này không hề giảm bớt mà vẫn ngang nhiên diễn ra, không có động thái can thiệp từ Facebook, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực cho uy tín của nạn nhân.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Lạc Huy - quản lý kênh thông tin Schannel Network, cho biết rất nhiều lần hình ảnh, tên của mình bị các trang bán hàng giả trên Facebook sử dụng để quảng cáo cho những sản phẩm nhái, kém chất lượng dưới mác "hàng giảm giá". Trong đó, không ít lần anh được người quen thông báo bắt gặp giới thiệu những mẫu flycam trang bị "khủng" nhưng giá rẻ hấp dẫn. Với thương hiệu cá nhân, đặc biệt trong cộng đồng người trẻ tuổi, các bài đăng sử dụng hình ảnh của Huy nhanh chóng nhận hàng nghìn lượt tương tác các loại.
"Tôi rất bức xúc khi phát hiện hình ảnh và thông tin cá nhân của mình bị sử dụng trái phép để bán hàng trên Facebook. Đặc biệt, tên của mình đã bị gắn vào các sản phẩm chất lượng kém và thậm chí là vi phạm luật pháp", anh Nguyễn Lạc Huy nhấn mạnh. Điều này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn gây ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân vì nhiều người đã mắc lừa, trong đó có cả người thân.
Tuấn Ngọc, nhà sáng tạo nội dung mảng công nghệ (kênh ReLab) trên nền tảng TikTok, YouTube cũng nhiều lần bị bắt gặp đang "đi bán tai nghe giá rẻ". Thực chất, những hình ảnh sử dụng trên các trang bán hàng giả mạo đều được cắt ghép từ những video đánh giá, giới thiệu sản phẩm của Tuấn Ngọc, sau đó bị lồng ghép thông tin để bán sản phẩm nhái. Anh cho biết đã nhiều lần báo cáo vi phạm lên Facebook, tuy nhiên không có được kết quả và cũng chưa thể ngăn chặn tình trạng này.
Reviewer công nghệ Lê Công Minh Khôi (kênh Khôi Ngọng - Vật Vờ Studio) cho biết rất bức xúc vì bị lấy video chạy quảng cáo hàng giả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân khi không ít người vào các kênh chính thức của Khôi để phản ánh việc mua phải đồng hồ đểu từ một video do Khôi giới thiệu. "Nhiều khi người xem cứ thấy mặt mình kèm theo giá rẻ là họ mua, trong khi sản phẩm trong video và hàng quảng cáo thì khác nhau. Nếu họ bán đúng hàng hãng do mình nói, bảo hành đầy đủ, có trách nhiệm thì với tôi vẫn tạm chấp nhận được dù không xin phép", Khôi bày tỏ.
Tương tự, nhiều nhân vật có tiếng khác trong giới công nghệ như Duy Luân (kênh Duy Luân Dễ Thương), Ngô Đức Duy (kênh Ngô Đức Duy)... với số lượng người theo dõi lên tới hàng triệu thành viên cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò cắt ghép hình ảnh, video, sau đó lồng ghép vào nội dung của các trang mạo danh để kinh doanh hàng nhái.
Những KOL (người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đối với lĩnh vực của mình) đều bất lực trong việc kiểm soát hình ảnh của mình để không bị đem ra phục vụ các chiêu trò lừa đảo. Họ thường xuyên bị người dùng mua nhầm sản phẩm chỉ trích, tố cáo vì "tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng", trong khi những kẻ đứng sau chiêu trò này kiếm bộn tiền mà không bị một chút ảnh hưởng nào.
Họ cho biết đã rất nhiều lần gửi báo cáo vi phạm tới Facebook, thậm chí nhờ cậy đến mối quan hệ quen cũng như uy tín của bản thân để tác động, nhưng phía quản lý mạng xã hội này cũng không giúp ích được gì. Tất cả đều phải tự đăng thông báo đính chính "không liên quan" trên trang cá nhân, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay báo cáo hành vi mạo danh. Tuy nhiên, cũng không ít người dùng phản ánh kết quả Facebook "không phát hiện vi phạm" đối với những trang chạy quảng cáo mạo danh người nổi tiếng để bán hàng giả, hàng nhái. Chính vì thế, tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra, không chỉ ở lĩnh vực công nghệ mà còn rất nhiều mảng khác như mỹ phẩm, thời trang, làm đẹp, gia dụng...
"Mong rằng Facebook và các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng điều tra, xử lý những hành vi vi phạm này vì hiện tại việc báo cáo hay ngăn cản hành vi sử dụng trái phép hình ảnh trên Facebook khá khó khăn và mất nhiều thời gian", anh Nguyễn Lạc Huy nói.
Bình luận (0)