"View" (lượt xem) trở thành một trong những "chìa khóa" để khích lệ người làm nội dung trên mạng xã hội tăng cường sáng tạo sản phẩm. Tuy nhiên, thay vì mang tới thông tin hữu ích, một số người chọn cách tạo ra các nội dung "bẩn" để câu view, bất chấp những tác hại có thể mang tới người xem.
Trên các nền tảng như Facebook, TikTok... đang phổ biến tại Việt Nam, không khó để người dùng tiếp cận các nội dung độc hại, nhảm nhí này bởi chúng xuất hiện tràn lan trên các fanpage, hội nhóm, tài khoản cá nhân...
Mới đây, nhiều người dùng Facebook bày tỏ phẫn nộ khi xuất hiện một trang nội dung trên nền tảng này đăng tải nhiều video nhảm nhí, dung tục, có phần gợi dục và chứa nội dung hạ thấp nữ giới. Thông tin chủ sở hữu trên fanpage này dẫn về một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, sản xuất phim ảnh, xây dựng nội dung chương trình, đồng thời nhận cung cấp dịch vụ liên quan tới các mảng này.
Trong một video do fanpage đưa lên, nội dung liên quan tới việc người vợ "khinh" chồng mình không làm ra tiền nên bản thân phải đi làm nghề nhạy cảm nhằm nuôi gia đình. Tới khi người chồng bắt gặp vợ trong bộ đồ "hở trên hở dưới" với khách và "ném cọc tiền vào mặt" để răn đe thì thái độ nhân vật vợ thay đổi ngay lập tức, không còn cay nghiệt mà chuyển sang nịnh nọt chồng. Ở nội dung khác, trang này đăng video chứa nhiều hình ảnh nhạy cảm, kịch bản và lời thoại chứa ngôn từ kích động.
Một số video có lượng xem, chia sẻ và tương tác lên tới hàng nghìn, đa phần người để lại bình luận bày tỏ phẫn nộ với nội dung của trang. Nhiều người đồng tình với nhau rằng những nội dung do fanpage này đăng tải là độc hại, có nhiều hệ lụy xấu tới tư tưởng, quan điểm của người xem, đặc biệt là nhóm người dùng mạng xã hội còn ít tuổi.
Theo một người am hiểu về mạng xã hội, các nội dung trên những nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận không giới hạn người dùng, do đó khi trẻ em, trẻ vị thành niên có sử dụng mạng xã hội vô tình tiếp cận những thông tin độc hại như vậy sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể dẫn tới lệch lạc về tư tưởng. "Video hạ thấp, coi thường nữ giới, sử dụng trang phục hở hang, hay miêu tả lại những cảnh rình rò, trộm cắp đồ lót... chắc chắn để lại hậu quả về tư tưởng đối với lứa tuổi nhỏ mới bắt đầu tiếp cận internet", vị này nhận định.
Đáng chú ý, người dùng dường như đang "bất lực" trong việc báo cáo những sai phạm về nội dung này lên phía quản trị của Facebook. Dù luôn quảng cáo có thuật toán hỗ trợ kiểm duyệt nội dung, nền tảng này lại thường bỏ qua video chứa nội dung như cờ bạc, gợi dục, nhảm nhí hay độc hại. Nỗ lực báo cáo vi phạm của người dùng thường được phản hồi bằng thông báo quyết định không gỡ nội dung vì "sau khi kiểm tra, Facebook không thấy nội dung bị báo cáo vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng". Vấn đề nhức nhối này cũng đã bị đem ra bàn luận nhiều lần nhưng thường không mang lại kết quả có lợi cho người dùng nền tảng này.
Ngoài Facebook, TikTok cũng là một trong những mạng xã hội bị tố cáo có nhiều nội dung độc hại, nhảm nhí. Ứng dụng này còn có phần nghiêm trọng hơn khi những video ngắn được lan truyền rất nhanh trong cộng đồng, tạo ra hiệu ứng lớn.
Bình luận (0)