Hiện nay, việc các chủ tài khoản mạng xã hội đăng bài viết hay tổ chức buổi livestream (phát video trực tuyến) trên mạng internet để bán hàng, quảng cáo sản phẩm đã trở nên phổ biến và dần hình thành nhu cầu thứ yếu trong cuộc sống hằng ngày. Mặc dù vậy, có không ít những đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo không đúng, sai sự thật hoặc cố tình gây nhầm lẫn về sản phẩm để thu lợi cá nhân, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ngày càng nhiều trường hợp người dùng lập tài khoản trên mạng xã hội để quảng cáo dịch vụ, sản phẩm nhưng "thổi phồng" công dụng để gây nhầm lẫn cho người theo dõi bị phát giác, "bóc phốt" gần đây. Điển hình như vụ TikToker tên "Y.C" với hơn 6 triệu người theo dõi đã quảng bá cho loại sữa tăng cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây bức xúc trong cộng đồng.
Hay như TikToker "Y.K làm thẩm mỹ" khen ngợi phương pháp truyền NAD+ vào cơ thể với công dụng "cải lão hoàn đồng, trẻ ra tới 10 tuổi" dù không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh được những lợi ích này. Cơ quan y tế tại Việt Nam chưa cấp phép lưu hành tại Việt Nam và dịch vụ/sản phẩm cũng không có trong hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Điều đáng nói, việc tiêm/truyền các chất, dịch không được cấp phép tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe của người dùng.
Sau những lần bị "lật mặt", tố cáo hay vấp phải phản đối dữ dội từ cộng đồng, những chủ tài khoản này chỉ đơn giản là xóa clip các nội dung đã đăng, hoặc lên thêm video để phân trần, xin lỗi "cho qua chuyện". Nhưng sớm tái diễn màn kịch thổi phồng công dụng của sản phẩm, dịch vụ khác nhằm bán được hàng, thu lợi về cho mình mà không quan tâm đến những vấn đề, nguy cơ mà người theo dõi, tin tưởng mình phải gánh chịu.
Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, pháp luật nghiêm cấm các hành vi trong hoạt động quảng cáo bao gồm: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Ông Bình cũng trích dẫn khoản 6 Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội quy định tổ chức, cá nhân không được đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Luật sư nhận định hành vi quảng cáo không đúng, sai sự thật về sản phẩm trên mạng xã hội thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
"Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ...", luật sư Bình nêu rõ.
Bình luận (0)