Trung Quốc bị chỉ trích sau đối thoại Shangri-La

03/06/2014 09:10 GMT+7

Nhật Bản và báo chí Mỹ giận dữ phản ứng các phát ngôn nặng nề của đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La vừa qua.

>> Điều gì đã diễn ra trong cuộc họp kín Mỹ, Trung ở Shangri-La?
>> Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nhật Bản gặp gỡ tại Shangri-La
>> Trung Quốc mỉa mai Mỹ, Nhật Bản 'đang song ca' tại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-la: Bộ trưởng quốc phòng các nước chỉ trích Trung Quốc
>> Quan chức Trung Quốc chỉ trích thủ tướng Nhật tại Shangri-La

Ông Vương Quán Trung có bài phát biểu gây giận dữ tại Đối thoại Shangri-La  - Ảnh: Reuters
Ông Vương Quán Trung có bài phát biểu gây giận dữ tại Đối thoại Shangri-La  - Ảnh: Reuters 

Ngày 2.6, chính phủ Nhật lên tiếng phản đối dữ dội bài phát biểu của Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung trong ngày cuối cùng của Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La - SLD) vừa kết thúc ngày 1.6 tại Singapore. Ông Vương dùng những từ ngữ nặng nề như “khiêu khích, thách thức, bá quyền” để to tiếng chỉ trích bài phát biểu trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Sáng 1.6, ông Hagel chỉ đích danh “Trung Quốc đang tiến hành những hành động đơn phương, gây bất ổn ở biển Đông”; còn ông Abe cảnh báo về hành vi “cố tình sử dụng vũ lực và cưỡng ép để thay đổi hiện trạng” trên biển Đông và biển Hoa Đông đồng thời kêu gọi tôn trọng luật pháp. Tuy nhiên, khi bị cử tọa tập trung chất vấn về những hành động gây quan ngại trên biển cũng như về sự mơ hồ của yêu sách đường 9 đoạn, tướng Vương lại lẩn tránh, trả lời lòng vòng khiến giới quan sát rất thất vọng.

Đến hôm qua, Đài NHK dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cáo buộc những lời lẽ của ông Vương mang tính “phỉ báng”. “Chúng tôi cho rằng quan chức cấp cao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố dựa trên những sai lầm về thực tiễn và đã bôi nhọ đất nước chúng tôi”, ông Suga nói và cho biết thêm Tokyo đã có động thái phản đối với Bắc Kinh. Cùng ngày, tờ The Christian Science Monitor (Mỹ) đăng bài xã luận nhận định sự bột phát của ông Vương Quán Trung tại SLD đã phá hỏng mục tiêu khuyến khích đối thoại và tăng cường hiểu biết lẫn nhau của diễn đàn.

Bịa đặt và vu cáo

Liên quan đến căng thẳng trên biển Đông xuất phát từ vụ Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam, Tân Hoa xã vừa đăng bài viết vu cáo Việt Nam “phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng leo thang hiện nay” với những lập luận đầy tính vu cáo và thiếu thuyết phục. Tác giả bài viết là chuyên gia Trần Khánh Hồng thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc bịa đặt rằng quần đảo Hoàng Sa là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại” nhưng chỉ nêu “khơi khơi” tên các triều đại phong kiến nước này như Tống, Nguyên, Minh, Thanh mà không dẫn ra bất kỳ tài liệu nào để chứng minh.

Chưa hết, chuyên gia Trần Khánh Hồng tiếp tục lặp lại luận điệu cũ rích về công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 để bóp méo sự thật. Trên thực tế, trong cuộc họp báo quốc tế ngày 23.5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Duy Hải đã khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí người đọc không khỏi nghi ngờ trình độ chuyên môn của chuyên gia Trần Khánh Hồng khi ông viết sai tên Thứ trưởng Ngoại giao của VNDCCH thời điểm 1956 là Ung Văn Khiêm thành “Dung Văn Khiêm”.

Trong khi đó, Gazeta.ru, một trong 3 báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga, đã đăng bài viết công phu, dẫn nhiều sử liệu được giới chuyên gia công nhận chứng tỏ trong hàng trăm năm Trung Quốc không hề có sự hiện diện nào ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hàng loạt tài liệu, bản đồ chính thức và bán chính thức của Trung Quốc cho đến đầu thế kỷ 20 như Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ xuất bản năm 1894, Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản 1905, tái bản 1910 đều chỉ vẽ lãnh thổ nước này đến đảo Hải Nam. Ngược lại, tên “Cát Vàng” (Hoàng Sa) và “Spratli” (Trường Sa) đã được đề cập lần đầu tiên vào thế kỷ 17 trong các tập bản đồ cổ của Việt Nam. Ngoài ra, năm 1721 Việt Nam đã thành lập Cơ quan hành chính Hoàng Sa nhằm khai thác tập trung các hòn đảo ở biển Đông, cũng như trang bị các tàu để tiến ra các đảo này.

Gazeta.ru cũng viết lại một sự kiện được nhắc đến nhiều trong các tài liệu của phương Tây là khoảng năm 1895, 1896 tàu Bellona của Đức và tàu Ymedi Maru của Nhật chở hàng cho Anh bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Người Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã ra lấy trộm đồng trên tàu. Lãnh sự Anh ở Hải Nam phản đối với nhà đương cục Trung Quốc và nhận câu trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc do đó Trung Quốc không có trách nhiệm gì ở đấy.

Văn Khoa

>> Cận cảnh bằng chứng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm
>> Thượng úy Nguyễn Quốc Huy: Tàu Trung Quốc muốn dùng vòi rồng thổi bay tôi đi
>> Hoàng Sa ngày 2.6: Khắc phục sự cố tàu CSB Việt Nam bị tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng
>> Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.