Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên 'bắt nạt' Sri Lanka

28/10/2020 10:24 GMT+7

Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo cảnh báo Washington không nên có hành động "cưỡng ép và bắt nạt" Sri Lanka khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm nước này.

"Chúng tôi kiên quyết phản đối Washington nhân cơ hội chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo để can thiệp vào mối quan hệ Trung Quốc-Sri Lanka, đồng thời cưỡng ép và bắt nạt Sri Lanka", theo tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc.
Tuyên bố được đưa ra khi ông Pompeo đến Sri Lanka vào ngày 27.10 và dự kiến sẽ đặt Colombo trước những lựa chọn "khó khăn" về mối quan hệ với Trung Quốc, theo AFP.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Nam Á, ông Dean Thompson, cho hay Ngoại trưởng Pompeo đồng thời yêu cầu Sri Lanka cân nhắc các lựa chọn do Washington đưa ra.
AFP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết thêm ông Pompeo sẽ hội đàm với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trong ngày 28.10, nhấn mạnh tầm quan trọng của Sri Lanka với tư cách là một đối tác an ninh và kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cảnh báo về "nguy cơ" Trung Quốc

Phe đối lập ở Sri Lanka cho rằng chuyến thăm của ông Pompeo là để hoàn tất một thỏa thuận gây tranh cãi cho phép lực lượng quân đội Mỹ tự do tiếp cận nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Sri Lanka, ông Gamini Peiris khẳng định: "Không có thỏa thuận nào được ký kết", theo AFP.
Trước khi đến Sri Lanka, ông Pompeo thăm Ấn Độ, đưa ra các tuyên bố chống lại Trung Quốc và đó được cho là chủ đề chính trong chuyến công du châu Á lần này. Sau Sri Lanka, ông Pompeo sẽ tới Maldives và Indonesia.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ồ ạt đầu tư và hậu thuẫn Sri Lanka về mặt ngoại giao. Hồi đầu tháng 9, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến thăm và cam kết tăng cường hỗ trợ kinh tế Sri Lanka.
Giới chuyên gia thường nêu bật trường hợp Sri Lanka khi đưa ra cảnh báo về chính sách ngoại giao sổ nợ của Trung Quốc.
Cụ thể, hồi giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, nhằm trả bớt khoản nợ khổng lồ 8 tỉ USD. Từ đó, chiến hạm và cả tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên cập cảng Hambantota.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.