Khủng hoảng Covid-19 giúp Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao sổ nợ

12/04/2020 18:05 GMT+7

Giữa lúc đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu, chính quyền Trung Quốc có thể đẩy mạnh chính sách “ngoại giao sổ nợ”, kiểm soát tài sản của các nước khác hoặc xóa nợ để tăng cường quyền lực mềm.

Các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay lớn trên thế giới, bao gồm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo tờ The Guardian ngày 12.4.

Rủi ro từ vay nợ: mất quyền kiểm soát tài sản

Giới chuyên gia cùng quan chức cấp cao của một số nước như Mỹ và Úc từng lên tiếng cảnh báo mối rủi ro từ “chính sách ngoại giao sổ nợ” của Trung Quốc. Trong chính sách ngoại giao sổ nợ, những quốc gia đang phát triển không thể trả nổi khoản vay với lãi suất cao để thực hiện dự án cơ sở hạ tầng, buộc phải trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát tài sản của nước mình.
Báo cáo năm 2018 của 2 nhà nghiên cứu Sam Parker và Gabrielle Chefitz thuộc Đại học Harvard (Mỹ) chỉ đích danh 16 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi là đối tượng nằm trong chính sách ngoại giao sổ nợ của Trung Quốc. Trong đó, Pakistan, Djibouti và Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.
Báo cáo nhận định Trung Quốc lợi dụng những quốc gia không thể trả những khoản nợ khổng lồ để “thâu tóm tài sản chiến lược hoặc gây sức ép chính trị” nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cô lập các đồng minh của Mỹ và củng cố vị thế ở Biển Đông.
Trong tuần này, ông Parke và bà Chefitz tiếp tục cảnh báo chính quyền Trung Quốc có thể đẩy mạnh chính sách ngoại giao sổ nợ đối với các quốc gia đang phát triển, vốn phải đối mặt thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19.
Bà Chefitz cho biết những quốc gia mắc nợ Trung Quốc sẽ có hai sự lựa chọn.
“Khoản vay là công cụ rất linh hoạt. Trung Quốc tranh thủ cơ hội này, yêu cầu các nước có nguy cơ vỡ nợ phải thanh toán khoản vay bằng tài sản chiến lược hoặc (Trung Quốc) xóa nợ để tăng cường quyền lực mềm với tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu”, theo bà Chefitz.
Trong nỗ lực khác nhằm tăng cường quyền lực mềm, Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó đại dịch Covid-19, theo chuyên gia Chefitz.

Dự án tuyến đường sắt giữa Trung Quốc và Lào bị đình trệ và đây là một phần trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng của sáng kiến Vành đai và Con đường

AFP

Đề xuất giảm nợ giữa mùa dịch

Về phần mình, các quan chức Trung Quốc đã đề xuất giảm nợ. Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 7.4 nói: “Đối với các nước gặp khó khăn về khoản vay, Trung Quốc không bao giờ ép buộc họ, nhưng sẽ giải quyết thông qua kênh tham vấn song phương”.
Ông Triệu đưa ra tuyên bố này sau khi hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết chính quyền Trung Quốc đã nhất trí rằng “một số quốc gia không nên bị buộc phải trả nợ giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành”.
“Các nước đang phát triển, nhất là quốc gia thu nhập thấp, đang đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19. Chúng tôi sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan thông qua kênh song phương”, vị quan chức cho biết thêm.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 25.3 đã kêu gọi G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) nhất trí với lời kêu gọi cho phép những nước nghèo nhất thế giới tạm hoãn trả nợ để tập trung ứng phó đại dịch Covid-19. Hiện hơn 140 tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện quốc tế lên tiếng ủng hộ đề xuất này.

[VIDEO] Bị nhiều than phiền về chất lượng, Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu thiết bị y tế

Các lãnh đạo G20 sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 15.4. Trước đó, hội nghị G20 hôm 31.3 kết thúc nhưng không có bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này, the AFP.
Phát biểu tại Trung tâm vì Phát triển Toàn cầu ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) ngày 7.4, Bộ trưởng Tài chính Ghana, ông Ken Ofori-Atta kêu gọi Trung Quốc xem xét xóa nợ của các quốc gia châu Phi. “Châu Phi đang nợ Trung Quốc tổng cộng hơn 145 tỉ USD và trong năm nay được yêu cầu phải trả 8 tỉ USD”, ông Ken nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.