Trung Quốc chi 3,6 tỉ USD mua rau quả Việt Nam

19/01/2024 18:52 GMT+7

Giá trị xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam năm 2023 lập kỷ lục với 5,6 tỉ USD; tính riêng thị trường Trung Quốc chiếm 3,6 tỉ USD, tăng hơn 138% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam tăng lên 30% ở Trung Quốc

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), cho biết trong tháng cuối cùng của năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 408,2 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng 11.2023 và tăng 31,5% so với tháng 12.2022. Theo đó, cả năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt 5,6 tỉ USD, tăng 66,7% so với năm 2022.

Trung Quốc chi 3,6 tỉ USD mua rau quả Việt Nam- Ảnh 1.

Bộ Công thương dự báo xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc

PHAN HẬU

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Theo đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 3,6 tỉ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.

Cập nhật đến thời điểm hiện nay, trong số 13 mặt hàng nông sản đang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì nhóm hàng rau quả chiếm đa số: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, sầu riêng và khoai lang.

Bộ Công thương lý giải, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022, đặc biệt là nghị định thư xuất khẩu sầu riêng.

Cũng theo Bộ Công thương, Thái Lan từng là nhà cung cấp 100% sầu riêng nhập khẩu cho thị trường Trung Quốc. Nhưng từ năm 2022, khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam thì thị phần sầu riêng Thái Lan ở thị trường này đã giảm xuống 95%. Đến năm 2023, xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc có sự cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và Thái Lan. Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam từ chỗ chỉ chiếm 5% (năm 2022) thị phần ở thị trường Trung Quốc đã tăng lên 30% (năm 2023).

Xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục khởi sắc

Bộ Công thương khẳng định, hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam với nhiều nước, điều này đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng rau quả. Trong năm 2023, không chỉ có Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể như: Mỹ đạt 257,8 triệu USD, tăng 4% so với năm 2022; Hàn Quốc đạt 225,8 triệu USD, tăng 24,9%; Nhật Bản đạt 176,2 triệu USD, tăng 6,7%.

Còn theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, ghi nhận từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các mặt hàng rau quả sang Trung Quốc diễn ra rất sôi động. Mỗi ngày, các cửa khẩu đường bộ địa bàn Lạng Sơn làm thủ tục, thông quan hơn 300 xe rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, số lượng xe hàng đưa lên từ các tỉnh nội địa lên Lạng Sơn hiện nay ở mức hơn 600 xe/ngày nhưng tại các cửa khẩu không xảy ra tình trạng ùn ứ, đọng hàng.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng VII, cho biết trong giai đoạn hiện nay, xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn nhiều nhất là thanh long, mít, xoài và sầu riêng. Còn ở chiều hàng nhập về từ Trung Quốc, nhiều nhất là nhóm trái cây truyền thống như: cam, quýt, táo, lê...

"Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc thông qua các cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn đang rất sôi động và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023", bà Hà nói.

Bộ Công thương nhận định, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc, dư địa tại các thị trường lớn còn nhiều. Trong khi đó, chất lượng rau quả Việt Nam có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm tiêu chí vào nhiều thị trường. Ngoài ra, rau quả Việt Nam đã có sự hiện diện, khẳng định ở hầu hết thị trường lớn, khắt khe; đã khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.

Nhưng để giữ được thị trường, ngành hàng rau quả Việt Nam cần duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc để có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.