Theo chuyên gia Gregory Kulacki thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS), trong nhiều tháng qua, giới tình báo và quân sự Mỹ đã bàn tán xôn xao về việc Trung Quốc chuẩn bị tiến hành vụ thử tên lửa chống vệ tinh (ASAT).
Vụ thử thậm chí có thể xảy ra vào ngày 11.1, ngày Trung Quốc từng tiến hành các vụ thử ASAT vào các năm 2007 và 2010.
“Dựa vào sự quan tâm cao độ của chính quyền và thói quen của Trung Quốc trong quá khứ, dường như có khả năng cao rằng Trung Quốc sẽ tiến hành thử ASAT trong vài tuần tới”, trang tin của kênh truyền hình NBC News dẫn một bài viết của ông Kulacki hôm 4.1.
Trong vụ thử năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy một vệ tinh thời tiết cũ của nước này ở độ cao 850 km, tạo ra khoảng 3.000 mảnh vỡ trên không gian.
Công nghệ tương tự cũng được sử dụng trong năm 2010 để phá hủy một mục tiêu không nằm trong quỹ đạo.
Theo NBC News, các quan chức Mỹ nghi ngờ Trung Quốc có thể muốn nâng cao tầm mục tiêu mà họ đạt được trong các năm 2007 và 2010, nhắm đến mục tiêu ở khoảng cách 19.300 km so với bề mặt Trái đất.
Khả năng vươn đến quỹ đạo vệ tinh tầm trung (MEO) về lý thuyết có thể khiến các vệ tinh thuộc Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo ông Kulacki, có nhiều lý do để Trung Quốc không tiêu diệt một vệ tinh ở quỹ đạo này, bao gồm việc Trung Quốc có ý định sử dụng không gian tại đây.
“Việc tạo ra rác vũ trụ có thể đe dọa chính vệ tinh của họ. Trong vài năm tới, Trung Quốc có kế hoạch đưa hơn 20 vệ tinh định vị lên MEO”, ông Kulacki viết.
Ông Kulacki thúc giục chính quyền của Tổng thống Barack Obama hãy cố gắng thuyết phục Trung Quốc không tiến hành thêm các vụ thử ASAT. Cả Mỹ và Liên Xô trước đây từng hủy bỏ các vụ thử như thế khi các chương trình không gian của họ hoàn thiện.
“Hy vọng, Trung Quốc rốt cuộc sẽ đạt được kết cục tương tự. Bắt đầu một cuộc đối thoạt song phương có ý nghĩa về an ninh không gian giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến ngày đó sớm diễn ra”, ông Kulacki viết.
Theo trang tin Washington Free Beacon ở Mỹ, nữ phát ngôn Lầu Năm Góc Catherine Wilkinson đã từ chối bình luận về điều được bà gọi là “các vấn đề tình báo”.
“Chúng tôi chú tâm theo dõi sự phát triển quân sự của Trung Quốc và thúc giục Trung Quốc hãy minh bạch hơn nữa về năng lực và các ý định”, bà Wilkinson phát biểu.
Sơn Duân
>> Trung Quốc sắp thử tên lửa chống vệ tinh?
>> Nga “nhắm Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa phòng không”
>> Bí mật về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
>> Tên lửa DF-25 “xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc”
>> Ấn Độ thử tên lửa Agni-IV
>> Trung Quốc bí mật thử tên lửa đạn đạo
>> Trung Quốc tăng lượng tên lửa chĩa vào Đài Loan
>> Trung Quốc phát triển "siêu tên lửa
Bình luận (0)