Trung Quốc tăng lượng tên lửa chĩa vào Đài Loan

05/09/2012 03:20 GMT+7

Đài Loan đẩy mạnh năng lực phòng không trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường tên lửa tối tân chĩa vào đảo này.

Ngày 4.9, báo Taipei Times dẫn báo cáo thường niên từ Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) cảnh báo tuy quan hệ hai bên đang được cải thiện nhưng Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng tên lửa hướng về Đài Bắc.

 Tên lửa được cho là DF-21D của Trung Quốc
Tên lửa được cho là DF-21D của Trung Quốc - Ảnh: Businessinsider.com

Đe dọa nghiêm trọng

 

Nghị sĩ Đài Loan xâm phạm Ba Bình

Ngày 4.9, một nhóm nghị sĩ Đài Loan ngang nhiên đến Ba Bình để quan sát cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp đang diễn ra tại đây, theo CNA. Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Đài Loan chiếm đóng. Cuộc tập trận phi pháp nói trên kéo dài 5 ngày, dự kiến kết thúc vào hôm nay. Trong đó, binh lính Đài Loan diễn tập với súng trường, súng cối và một số vũ khí khác. Việt Nam đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận cũng như các hành động khác của Đài Loan xâm phạm chủ quyền nước ta đối với Trường Sa.

Trong báo cáo tựa đề “Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2012”, MND xác định Lực lượng  Pháo binh - Tên lửa số 2 của Trung Quốc đã triển khai tổng cộng 1.600 tên lửa bao gồm các loại DF-11, DF-15, DF-16 và DF-21 sẵn sàng tấn công Đài Loan. Trong đó, DF-16 được cho là có tầm bắn 1.200 km có sức công phá đáng kể và là tên lửa di động nên rất khó bị đánh chặn. Báo United Daily News dẫn lời chuyên gia quân sự Rick Fisher cho rằng DF-16 có thể đánh bại tên lửa đánh chặn PAC-3 mà Đài Loan mua từ Mỹ.

Trong số tên lửa nói trên còn có DF-21D. Đây là tên lửa đạn đạo với tầm bắn tối đa 3.000 km và được cho là có khả năng tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định DF-21D phải mất nhiều năm thử nghiệm mới có thể được đưa vào tác chiến. Cũng theo báo cáo của MND, Trung Quốc còn vừa triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nhận định rằng Trung Quốc muốn dùng tên lửa này để răn đe, ngăn chặn các nước khác can thiệp trong trường hợp bùng nổ xung đột ở eo biển Đài Loan. Tóm lại, báo cáo đánh giá 1.600 tên lửa đạn đạo và hành trình do Trung Quốc huy động dọc eo biển Đài Loan là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Đài Loan ứng phó

Trước mối đe dọa ngày càng tăng từ tên lửa Trung Quốc, Đài Loan đang tiến hành kế hoạch tăng cường năng lực phòng không. Kế hoạch chi ngân sách quốc phòng năm 2013 dành một phần lớn để hiện đại hóa và mở rộng kho tên lửa đất đối không (SAM), theo Taipei Times. Cụ thể, MND sẽ đưa SAM tầm trung MIM23 Hawk tới Mỹ để kiểm tra hiệu quả, mua thêm tên lửa chiến thuật AGM-65G, tên lửa chống hạm AGM-84L Harpoon và các bệ phóng cho tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Ngoài ra, Viện Khoa học và công nghệ Trung Sơn thuộc MND được giao nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống phòng không Sky Bow 1 và 2.

Bên cạnh đó, MND lên kế hoạch trong 5 năm tới sẽ tập trung phát triển khả năng ứng phó một “cuộc chiến bất cân xứng” và nâng cao năng lực tấn công chính xác tầm xa di động bằng máy bay không người lái và tên lửa.

Taipei Times trích nội dung báo cáo cho hay, Đài Loan sẽ tăng cường trang bị tên lửa hành trình Hùng Phong 2E và một số tên lửa đất đối đất khác. Ông Kevin Cheng, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Hùng Phong 2E có thể được dùng để tấn công các sân bay và căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Ông Cheng ước tính Đài Loan hiện có hơn 100 tên lửa Hùng Phong 2E đang nhắm vào đại lục. Còn về UAV, theo một quan chức Đài Loan, Viện Trung Sơn đã bàn giao 32 chiếc cho MND, chủ yếu dùng để huấn luyện và do thám. Trong thời gian tới, Đài Loan hướng tới phát triển UAV có khả năng tấn công.

Trung Quốc mở rộng hệ thống giám sát biển

Báo China Daily dẫn lời giới chức Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết hệ thống giám sát biển của nước này hiện bao trùm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản. Cơ quan trên ngang nhiên tuyên bố sau 3 năm vận hành, hệ thống nói trên đang bao phủ 300.000 km2 trên biển Đông và biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc, ngày 3.9 đăng chùm ảnh tàu khảo sát Thực nghiệm 3 đang hoạt động phi pháp tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 20.8 đến nay. Mấy ngày qua, tàu này hoạt động quanh khu vực Đá Chữ Thập, vi phạm chủ quyền Việt Nam và gây thêm căng thẳng ở biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Đài NHK hôm qua đưa tin chính phủ Nhật Bản vừa đạt thỏa thuận sơ bộ với gia tộc Kurihara về việc mua lại 3 hòn đảo nằm trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, chính phủ chào giá 2 tỉ yen (khoảng 26 triệu USD) để quốc hữu hóa và “tăng cường bảo vệ, quản lý” Senkaku/Điếu Ngư. Kế hoạch này đang vấp phải phản đối từ Trung Quốc. Cùng ngày, AFP dẫn thông báo của chính quyền Trung Quốc cho biết cảnh sát đã bắt giữ 2 nghi phạm trong vụ tấn công xe chở Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh cuối tháng trước.

Trùng Quang

Văn Khoa

>> Trung Quốc triển khai vệ tinh do thám ở biển Đông
>> Biển Đông là vấn đề đại sự trong quan hệ Việt - Trung
>> Trung Quốc cấp tập thâu tóm biển Đông
>> Quan chức Đài Loan lại ngang nhiên đến Ba Bình
>> Đài Loan liên tục xâm phạm Ba Bình
>> Đài Loan ngang ngược đưa quan chức ra Trường Sa
>> Đài Loan, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
>> Yêu cầu Đài Loan hủy bỏ ngay tập trận ở Trường Sa
>> Đài Loan tăng cường khiêu khích ở Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.