(TNO) Trung Quốc có thể sớm thử một vũ khí chống vệ tinh đủ sức đe dọa hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các vệ tinh do thám của Mỹ.
Tờ Washington Free Beacon hôm 16.10 dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết tên lửa chống vệ tinh Dong Ning-2 (DN-2), vốn có thể tiêu diệt các vệ tinh tại quỹ đạo tầm cao trái đất (còn gọi là quỹ đạo địa tĩnh), sẽ sẵn sàng để thử nghiệm vào giữa tháng 11.
Việc thử nghiệm đã được hoãn đến sau cuộc bầu cử Mỹ bởi Trung Quốc không muốn làm đảo lộn chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo các quan chức giấu tên.
“Việc trì hoãn thử nghiệm tên lửa cho đến sau cuộc bầu cử ngày 6.11 là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn giúp chiến dịch tái tranh cử của ông Obama - nghĩa là họ thích ông ấy tái đắc cử hơn”, một quan chức Mỹ nói với tờ Washington Free Beacon.
Tên lửa DN-2 được các cơ quan tình báo mô tả là tên lửa đánh chặn tại quỹ đạo địa tĩnh, có chức năng tiêu diệt các vệ tinh.
Việc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh ở quỹ đạo tầm cao trái đất thể hiện một bước tiến lớn trong năng lực tiêu diệt vệ tinh của Trung Quốc, vốn được phát triển trong hơn một thập kỷ qua.
Quỹ đạo địa tĩnh là nơi đặt các vệ tinh liên lạc và dẫn đường lớn, bay cách trái đất từ 19.300 km đến 35.700 km
Vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT) gần nhất của Trung Quốc vào năm 2007 đã tiêu diệt một vệ tinh thời tiết thuộc quỹ đạo tầm thấp trái đất, nằm ở độ cao khoảng 900 km, tạo ra hàng chục ngàn mảnh vỡ kim loại mà các quan chức Mỹ nói sẽ đe dọa các vệ tinh và những nhà du hành vũ trụ trong 100 năm.
Các vệ tinh thuộc hệ thống GPS của Mỹ, sử dụng cho mục đích hàng hải và dẫn đường tên lửa, nằm tại quỹ đạo tầm trung trái đất, hay ở khoảng cách 19.300 km, hoàn toàn có thể bị khống chế bởi loại tên lửa DN-2.
Dù thành công hay không, việc phát triển tên lửa DN-2 cho thấy quân đội Trung Quốc có kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh không gian ở quỹ đạo tầm cao bất chấp việc theo đuổi những thỏa thuận quốc tế nhằm cấm loại vũ khí này.
Vụ thử ASAT vào năm 2007 của Trung Quốc đã bị Mỹ và các quốc gia không gian khác, những nước xem đây là mối đe dọa lớn với các vệ tinh sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, phản đối.
Một người phát ngôn của Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về chương trình vũ khí chống vệ tinh DN-2 của Trung Quốc.
Sơn Duân
>> Nga “nhắm Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa phòng không”
>> Bí mật về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
>> Tên lửa DF-25 “xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc”
>> Ấn Độ thử tên lửa Agni-IV
>> Trung Quốc bí mật thử tên lửa đạn đạo
>> Trung Quốc tăng lượng tên lửa chĩa vào Đài Loan
>> Trung Quốc phát triển "siêu tên lửa
Bình luận (0)