Trung Quốc chứng nhận vắc xin mRNA đầu tiên ngừa Covid-19

Khánh An
Khánh An
22/03/2023 20:51 GMT+7

Vắc xin SYS6006 của hãng dược CSPC trở thành vắc xin mRNA (ARN thông tin) đầu tiên tại thị trường Trung Quốc đại lục.

Trung Quốc chứng nhận vắc xin mRNA đầu tiên ngừa Covid-19 - Ảnh 1.

Một hãng dược Trung Quốc vừa được cấp chứng nhận sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Covid-19 dùng công nghệ mARN

SHUTTERSTOCK

Tờ South China Morning Post ngày 22.3 đưa tin Trung Quốc vừa chứng nhận vắc xin ARN thông tin (mRNA) nội địa đầu tiên ngừa Covid-19, được nhà sản xuất cho biết có tác dụng đối với một số biến thể gần đây, kể cả biến thể vượt trội tại Mỹ.

Cục Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (NMPA) chứng nhận vắc xin SYS6006, được phát triển bởi hãng dược CSPC, để dùng khẩn cấp sau khoảng 1 năm kể từ khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Đây là vắc xin ARN thông tin đầu tiên tại thị trường Trung Quốc đại lục, do nước này chưa chứng nhận bất cứ vắc xin ngoại nhập nào sử dụng công nghệ này.

Công ty CSPC có trụ sở tại Hà Bắc cho biết đã thử nghiệm trên khoảng 4.000 trường hợp trong nghiên cứu từ ngày 10.12.2022-18.1.2023. Kết quả cho thấy hiệu suất khi dùng làm mũi tiêm tăng cường là hơn 85% sau 2-4 tuần. Dữ liệu chưa được công bố trên chuyên san để giới chuyên môn cho ý kiến.

"Thử nghiệm lâm sàng cho thấy SYS6006, dù là mũi cơ bản hay tăng cường, có thể tăng cường ổn định đối với phản ứng của tế bào T với những biến thể khác như Delta, Omicron BA.2 và BA.5 ở mức độ cao và lâu dài hơn", theo thông cáo của hãng.

Tế bào T là tế bào miễn dịch phối hợp với hệ miễn dịch và tiêu diệt các tế bào nhiễm vi rút.

Vắc xin mới cũng thể hiện tác dụng "rất tốt" đối với những biến thể phụ của Omicron có khả năng lây nhiễm cao như BF.7, , CH.1.1, BQ.1.1 và XBB.1.5 – biến thể chiếm hơn 90% trong số các ca Covid-19 gần đây tại Mỹ.

Trong khi BA.5.2 và BF.7 chiếm hầu hết các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, nước này vẫn ghi nhận các ca du nhập từ bên ngoài với các biến thể BQ.1.1, XBB.1.5 và CH.1.1.

Vắc xin mới cũng có tác dụng phụ nhẹ hơn, như sốt và đau nơi tiêm, với tần suất và mức độ "thấp hơn nhiều" ở người cao tuổi, theo công ty.

Tổng thống Mỹ yêu cầu giải mật tình báo về Covid-19

Các vắc xin nội địa của Trung Quốc trước đây bị cho là ít hiệu quả hơn vắc xin ARN thông tin của Moderna và Pfizer/BioNTech. Những hãng dược ở nước này đã chạy đua phát triển vắc xin ARN thông tin từ đầu năm 2020.

Ít nhất 5 hãng dược khác tại Trung Quốc đang phát triển các vắc xin ARN thông tin. Các hãng Walvax và AIM Vaccine cho biết họ đang tiến hành hoặc đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, nhưng sự phát triển và quy trình hành chính bị chậm.

Vắc xin AWcorna, đồng phát triển bởi Yuxi Walvax, Suzhou Abogen Biosciences và Viện Khoa học quân sự, được chứng nhận sử dụng khẩn cấp ở Indonesia vào tháng 9.2022 nhưng chưa được chứng nhận ở Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.