Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh đủ sức tấn công căn cứ Mỹ?

Văn Khoa
Văn Khoa
21/05/2023 12:46 GMT+7

Tờ South China Morning Post tối 20.5 dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng tên lửa bội siêu thanh DF-27 của Trung Quốc đã được đưa vào sử dụng hơn 4 năm.

DF-27, một trong những tên lửa bội siêu thanh tiên tiến nhất của Trung Quốc, chưa bao giờ được công bố chính thức, nhưng đã xuất hiện trong đoạn video từ một nguồn không xác định được lưu hành trên mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 8.2022, trước một loạt cuộc tập trận lớn xung quanh Đài Loan, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Tuy nhiên, nguồn tin tiết lộ DF-27 đã được đưa vào sử dụng một thời gian trước năm 2019 và đã được cố tình giữ kín sau khi tên lửa bội siêu thanh DF-17 chiếm vị trí trung tâm trong cuộc duyệt binh năm đó ở Bắc Kinh.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh đủ sức tấn công căn cứ Mỹ?

 "DF-27 đã được biên chế trong lực lượng tên lửa trước năm 2019, nhưng PLA (quân đội Trung Quốc) không muốn tiết lộ "con át chủ bài' sớm như thế", nguồn tin khẳng định.

"Là một trong những vũ khí mạnh đủ sức nhắm vào đảo Guam (Mỹ) như DF-26, DF-27 được thiết kế để mang các đầu đạn khác nhau, một HGV [phương tiện lượn bội siêu thanh] hoặc nhiều đầu đạn khi cần tấn công các mục tiêu khác nhau", nguồn tin cho hay.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh có thể tấn công căn cứ Mỹ? - Ảnh 1.

Tên lửa bội siêu thanh DF-17 trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019

Reuters

Nguồn tin cho biết thêm DF-27 có những đặc điểm chung với DF-17, vốn có tầm bắn 1.500 km và có thể di chuyển với tốc độ hơn 6.125 km/giờ, và tên lửa DF-21D, còn được gọi "sát thủ tàu sân bay" có thể mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn 1.800 km.

Có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ?

Lầu Năm Góc lần đầu tiên đề cập DF-27 trong báo cáo thường niên năm 2021, đánh giá tên lửa này có tầm bắn từ 5.000 đến 8.000 km, đủ sức tấn công bang Hawaii (Mỹ) từ lục địa Trung Quốc.

DF-27 cũng xuất hiện trong một loạt tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ gần đây. Theo các tài liệu đó, PLA đã thực hiện một cuộc thử nghiệm DF-27 thành công vào ngày 25.2 và kết luận rằng có khả năng cao là tên lửa này có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Trung Quốc, Nga vượt qua Mỹ trong cuộc đua vũ khí bội siêu thanh?

Nguồn tin xác nhận thông tin trong các tài liệu trên, đồng thời cho biết thêm: "PLA cần thực hiện các cuộc thử nghiệm liên tục đối với DF-27, loại tên lửa có hệ điều hành rất phức tạp, mặc dù đã được sử dụng trong vài năm".

"Với tốc độ bội siêu thanh và tầm bắn xa hơn [so với DF-17 và DF-26], việc thử nghiệm DF-27 sẽ đảm bảo quỹ đạo của tên lửa này ổn định hơn, nếu không khả năng tấn công chính xác của tên lửa sẽ bị ảnh hưởng", nguồn tin cho hay.

Trung Quốc đã triển khai tên lửa bội siêu thanh có thể tấn công căn cứ Mỹ? - Ảnh 2.

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc

Chụp màn hình SCMP

Ông Tống Trung Bình, cựu huấn luyện viên PLA, cho hay DF-27 là phiên bản nâng cấp của DF-17, trong khi DF-26 là phiên bản nâng cấp của DF-21D. DF-26 được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam", vì tầm bắn khoảng 3.500 km, đủ vươn tới lãnh thổ này của Mỹ, theo SCMP.

Tuy nhiên, PLA muốn sở hữu một loại tên lửa có tầm bắn xa hơn vì họ không muốn bố trí tất cả các tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của mình ở các khu vực ven biển, theo nguồn tin.

DF-27 là một phần trong chiến lược của PLA nhằm củng cố các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), nhưng sẽ không nhắm vào các bang của Mỹ mà DF-27 có thể tiếp cận, chẳng hạn như Hawaii hoặc Alaska, thay vào đó nhắm vào các căn cứ quan trọng ở Nhật Bản và đảo Guam, theo SCMP.

Trung Quốc có dụng ý gì khi công bố năng lực tên lửa bội siêu thanh YJ-21?

Cách ứng phó của Mỹ

Chuyên gia quân sự Lữ Lễ Thi ở Đài Loan cho rằng Mỹ đã biết về kế hoạch phát triển DF-27 của PLA trong vài năm và đã phản ứng bằng cách đại tu hệ thống phòng không ở đảo Guam, bao gồm việc bổ sung các hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), theo SCMP.

"Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot tới đảo Guam, nhưng chúng không có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa bay tới bằng HGV do bị hạn chế về khả năng đánh chặn ở tầm cao. Tuy nhiên, hệ thống THAAD có thể đánh chặn các mục tiêu như DF-26 và thậm chí cả DF-27 khi tên lửa đang bay ở giai đoạn giữa hoặc bên ngoài bầu khí quyển", ông Lữ bình luận.

Vào tháng 3, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỉ USD vào việc tăng cường khả năng phòng không của đảo Guam trong năm tài chính 2024.

Ngoài THAAD, đảo Guam còn được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ Aegis từ các tàu chiến của Mỹ. Lục quân Mỹ cũng đang lên kế hoạch cung cấp các cảm biến phòng thủ tên lửa và phòng không cấp thấp hơn, và hệ thống Patriot nâng cấp để chống lại các mối đe dọa tên lửa mới từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo tạp chí Lực lượng Hàng không và Vũ trụ (Mỹ).

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc đối với tiết lộ trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.