Trung Quốc đang vận hành 'ít nhất 1 chương trình tên lửa diệt vệ tinh’

Khánh An
Khánh An
02/04/2020 10:50 GMT+7

Báo cáo của 2 cơ quan nghiên cứu tại Mỹ cho rằng Trung Quốc đang phát triển các chương trình tên lửa diệt vệ tinh trên quỹ đạo.

Tạp chí Aviation Week dẫn 2 báo cáo mới công bố cho rằng Trung Quốc đang phát triển từ 1-3 chương trình tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất (DA-ASAT), trong đó có một chương trình đã đến giai đoạn vận hành.
Các báo cáo được đưa ra bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Quỹ An toàn thế giới (SWF), đều có trụ sở tại Mỹ.
Theo SWF, tên lửa chống các vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp (độ cao tối đa 2.000 km) của Trung Quốc dường như đã hoàn thiện và có thể hoạt động trên các bệ phóng di động.
Trong khi đó, năng lực DA-ASAT của nước này nhằm vào các mục tiêu xa hơn trong không gian có thể đang ở giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Chưa có chứng cứ cho thấy năng lực này có thể đạt được trong tương lai gần.
Tên lửa SC-19, còn gọi là DN-1, chính là tên lửa động lực đã tiêu diệt vệ tinh thời tiết Phong Vân 1C của Trung Quốc trong thử nghiệm vào năm 2007. Vũ khí này dường như được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo DF-21 (Đông Phong-21) và được tuyên bố đã đưa vào vận hành, theo SWF.
Tác giả báo cáo là ông Brian Weeden, giám đốc văn phòng SWF ở Washington. Trong số các tài liệu ông viện dẫn có báo cáo của Trung tâm Tình báo Không gian và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) vào tháng 12.2018 cho rằng Trung Quốc có đơn vị quân sự bắt đầu huấn luyện với tên lửa diệt vệ tinh.
Báo cáo Quốc hội Mỹ vào tháng 1.2019, giám đốc tình báo quốc gia Daniel Coats cho rằng Trung Quốc có tên lửa mặt đất diệt vệ tinh nhằm vào quỹ đạo tầm thấp.
Cả 2 chuyên gia này kết luận rằng Trung Quốc có lẽ đã điều động các hệ thống này đến ít nhất một số đơn vị và huấn luyện sử dụng, dù SWF lưu ý rằng điều này chưa được xác nhận công khai.

[VIDEO] Trung Quốc có thực sự "vượt mặt" Mỹ trong cuộc chạy đua tên lửa?

Trong khi đó, báo cáo của CSIS cho rằng Lực lượng Chi viện chiến lược thuộc quân đội Trung Quốc được thành lập vào năm 2015 nhằm thống nhất các lĩnh vực không gian, không gian điện từ và không gian mạng, và đã bắt đầu huấn luyện các đơn vị đặc biệt với vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp.
Trung Quốc cũng đang phát triển các vũ khí khác như các tên lửa DN-2 và DN-3 có thể sử dụng cho mục đích diệt vệ tinh hoặc phòng thủ tên lửa đạn đạo, dù nước này chưa tiến hành thử nghiệm lưu lại các mảnh vỡ.
Cũng theo báo cáo của CSIS, các chuyên gia cho rằng các thử nghiệm vật lý động lực khác được tiến hành kể từ lần thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh năm 2007. “Các vụ thử tên lửa khó phán đoán hơn vì chúng có thể đóng vai trò đối kháng trong không gian nếu xảy ra xung đột”, theo CSIS.

Ấn Độ bắn hạ vệ tinh không gian, gây quan ngại vũ khí hóa vũ trụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.