Tờ South China Morning Post ngày 14.5 đưa tin giới chức tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đang điều tra một cửa hàng bán sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh sau khi có thông tin ít nhất 5 trẻ bị sưng phù đầu sau khi dùng sữa công thức mua tại đây.
Theo đó, giới chức thị xã Vĩnh Hưng thuộc thành phố Sâm Châu tại tỉnh này nghi ngờ thức uống dinh dưỡng hiệu Bei An Min được bán dưới dạng sữa công thức, tức sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ sơ sinh, tại một cơ sở thuộc chuỗi cửa hàng Love Baby.
Cha mẹ của 5 trẻ sơ sinh trình báo với cơ quan quản lý thị trường về việc con họ bị chàm, sụt cân đột ngột và bị sưng phù đầu sau khi dùng sản phẩm. Các bé cứ liên tục vỗ vào đầu và còn được chẩn đoán bị còi xương. Chưa rõ độ tuổi chính xác của mỗi bé.
Theo Đài truyền hình Hồ Nam, các gia đình trên đến cửa hàng mua sữa bột a xít amin vì con họ dị ứng với sữa công thức thông thường. Nhân viên cửa hàng giới thiệu Bei An Min là sản phẩm tốt nhất và từng đường nhiều trẻ dị ứng sữa dùng.
Một bà mẹ họ Chu cho biết sản phẩm có nhãn là thức uống protein nhưng các nhân viên cửa hàng nói rằng đây là “tên khác” của sữa công thức trẻ em.
“Khi mua, không ai nói với tôi rằng đó là thức uống thông thường. Tất cả họ đều nói rằng đó là sữa công thức”, bà Chu nói.
Một bà mẹ khác họ Trần cho biết bà lo ngại sau khi những người khác thấy trán con bà bị sưng. Chưa rõ các bé đã dùng sản phẩm trên bao lâu nhưng tất cả đều thiếu cân.
Một bà mẹ viết trên mạng về việc đã cho con uống sản phẩm trên trong 6 tháng trước khi một bác sĩ khuyên bà nên chuyển sang loại khác.
“Sau 6 tháng, tôi thấy con mình không lớn và chưa biết đi dù đã 18 tháng. Giờ đây tôi biết lý do là vì con tôi uống sữa công thức giả. Tôi lo rằng nó sẽ có các vấn đề về sức khỏe sau này”, bà mẹ này viết.
Cơ quan quản lý thị trường địa phương cho biết sẽ tổ chức kiểm tra sức khỏe và điều trị cho tất cả các bé bị ảnh hưởng.
Theo trang Jiemian.com, cửa hàng trên mua 47 hộp thức uống protein từ công ty Waverock Health Products Hồ Nam và bán hết từ tháng 10.2019. Một nhân viên công ty cho biết sản phẩm có nhãn hiệu rõ ràng và công ty không hề quảng cáo sai.
Vụ việc xảy ra 12 năm sau vụ bê bối sữa tại Trung Quốc khiến 6 trẻ tử vong và khoảng 300.000 trẻ bị bệnh sau khi uống sữa công thức nhiễm melamine. Vào năm 2003, 13 trẻ tử vong và 171 trẻ khác phải điều trị tại tỉnh An Huy sau khi uống sữa công thức kém chất lượng.
Bình luận (0)