Tình hình thay đổi
Báo Mỹ Wall Street Journal hôm 26.4 có bài viết cho hay trong suốt thời gian dài qua, hải quân và không quân Mỹ - thông qua các chuyến tuần tra liên tục trên biển và trên không ở Biển Đông - đã thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng Mỹ đã theo đuổi chiến thuật thách thức một cách thận trọng, “né” các tình huống có thể sẽ thổi bùng đối đầu lên tới mức quá cao.
Tuy nhiên, chiến thuật đó đã vấp phải nhiều chỉ trích của các lãnh đạo quốc hội cũng như quân sự của Mỹ trước hành động ngày càng quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tình hình đang thay đổi, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang mon men chạm tới “làn ranh đỏ”: bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ Philippines hồi năm 2012.
Hành động đáng ngờ
Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt của Mỹ cất cánh trong chuyến tuần tra gần bãi cạn Scarborough vừa qua Không quân Mỹ
|
Bãi cạn Scarborough là một cụm các tảng đá, cát và rạn san hô giữa biển. Nhưng sở dĩ nó được xem là “làn ranh đỏ” với Mỹ vì nó chỉ cách bờ biển Philippines chừng hơn 220 km, cách thủ đô Manila của nước này có 370 km. Philippines lại là đồng minh thân cận của Mỹ, là nơi Mỹ đang đóng quân.
Cách đây một tháng, quân đội Mỹ phát hiện Trung Quốc đưa tàu tới thăm dò quanh bãi cạn Scarborough, dẫn tới lo ngại Trung Quốc có thể sẽ tiến hành các biện pháp bồi đắp, xây đảo nhân tạo như đã từng làm trong thời gian dài qua trên khắp Biển Đông. Giới chức Trung Quốc sau đó dường như còn cố tình “để lộ” kế hoạch xây đường băng và biến nơi đây thành một tiền đồn của Trung Quốc.
Wall Street Journal hôm 26.4 dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc mà hành động ở bãi cạn Scarborough, Mỹ dự kiến sẽ đáp trả mạnh. “Chúng tôi đã chuẩn bị để có những hành động củng cố vị trí lâu dài của chúng tôi trên Biển Đông”, một quan chức phát biểu.
Theo báo này, các động thái mà Mỹ “đã chuẩn bị” để chống lại Trung Quốc có thể là trừng phạt kinh tế, tăng cường vũ khí, khí tài trong khu vực hoặc có các hành động thẳng thừng hơn, thể hiện rõ ràng hơn quan điểm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trực thăng HH-60 Pave Hawk cũng được Mỹ huy động để tuần tra Scarborough mới đây Không quân Mỹ
|
Một động thái khác có thể là hủy bỏ lời mời Trung Quốc đến RIMPAC - cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ tại Hawaii vào mùa hè này. Đó sẽ là một hành động làm mất mặt đáng kể Trung Quốc trước mắt cộng đồng quốc tế.
Tất cả những động thái trên đều sẽ có thể làm bùng phát đối đầu Mỹ - Trung tới một nấc thang mới.
Lấn vào “làn ranh đỏ”
Ngay sau khi phát hiện động thái thăm dò đáng ngờ của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, Mỹ nhanh chóng hành động bằng 3 chuyến tuần tra gần đó. Chuyến tuần tra đầu tiên diễn ra vào ngày 19.4 vừa qua, huy động 4 chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt II và thêm 2 trực thăng HH-60 Pave Hawk.
Tư lệnh đơn vị không quân thuộc Lực lượng không quân Thái Bình Dương thực hiện các chuyến tuần tra kể trên, đại tá Larry Card tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo tự do hàng không và hàng hải theo khuôn khổ luật pháp quốc tế. Điều này là cực kỳ quan trọng, kinh tế quốc tế lệ thuộc vào nó, tự do mậu dịch lệ thuộc vào khả năng lưu thông hàng hóa của chúng ta”.
Ngư dân Philippines đánh bắt ở gần bãi cạn Scarborough Reuters
|
Chuyến tuần tra kể trên được thực hiện chỉ 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố một loạt cuộc tuần tra chung với quân đội Philippines. Ông cũng tuyên bố các sáng kiến nhằm hiện đại hóa liên minh Mỹ - Philippines, trong đó bao gồm việc triển khai luân phiên máy bay quân sự ở căn cứ quân sự Clark tại Philippines.
Quay lại với hành động của Trung Quốc. Mỹ và Philippines lo ngại Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp bồi đắp, xây dựng trên bãi cạn Scarborough sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan), dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Đó là phiên tòa được xử theo đơn kiện của Philippines chống các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia pháp lý, phán quyết của PCA sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Một phán quyết như thế có thể sẽ khiến Trung Quốc lấn vào “làn ranh đỏ” Scarborough. Báo Wall Street Journal nhận định rằng trong trường hợp này, Mỹ và các đồng minh có thể tính tới một cuộc leo thang đáng kể.
Trung Quốc đã chiếm đóng bãi cạn từ năm 2012. Nếu ở thời chiến, Scarborough là một mục tiêu quá dễ dàng vì nó nằm rất gần với Philippines nhưng lại tách biệt hoàn toàn với phần lãnh thổ còn lại của nước này. Nhưng trong thời bình, đó là một vị trí rất có lợi cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Cùng với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp trên một phần rất lớn, một bãi cạn nhỏ như Scarborough cũng đủ để nối thành một tam giác chiếc lược nối liền các cơ sở quân sự có thể giúp Trung Quốc kiểm soát một vùng hải phận và không phận rộng lớn trên Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough cũng có thể giúp Trung Quốc giám sát và chặn các chuyến tuần tra của Mỹ cùng các đồng minh xuất phát từ các căn cứ ở Philippines, cùng lúc theo dõi tàu bè, kể cả tàu ngầm ra vào Biển Đông từ cửa ngõ Philippines. Ông Gregory Poling, một chuyên gia về hàng hải của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận xét: “Nó sẽ cho phép Trung Quốc giám sát, tuần tra và can thiệp vào bất kỳ nơi nào trên Biển Đông với mục tiêu cuối cùng là thiết lập tình trạng kiểm soát đã rồi (nếu không hợp pháp) trên biển”.
|
Bình luận (0)