Trung Quốc động thổ khai thác mỏ đồng lớn hàng đầu thế giới tại Afghanistan

Khánh An
Khánh An
24/07/2024 22:23 GMT+7

Những chuyên gia thăm dò ước tính mỏ Mes Aynak, cách thủ đô Kabul khoảng 40 km về phía đông nam, chứa 11,5 triệu tấn quặng đồng.

Trung Quốc động thổ khai thác mỏ đồng lớn hàng đầu thế giới tại Afghanistan- Ảnh 1.

Lễ cắt băng động thổ tại mỏ đồng Mes Aynak ở Afghanistan hôm 24.7

AFP

Các kỹ sư Trung Quốc và giới chức Afghanistan do Taliban điều hành ngày 24.7 động thổ dự án khai thác mỏ đồng có trữ lượng hàng đầu thế giới tại Afghanistan, sau 16 năm trì hoãn do tình hình xung đột tại nước này.

Những chuyên gia thăm dò ước tính mỏ Mes Aynak, cách thủ đô Kabul khoảng 40 km về phía đông nam, chứa 11,5 triệu tấn quặng đồng, kim loại quan trọng trong các thiết bị điện tử và đã tăng giá mạnh, theo AFP.

Theo thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD được ký năm 2008, một công ty nhà nước Trung Quốc có quyền khai thác mỏ. Tuy nhiên, dự án chưa từng được triển khai do giao tranh nổ ra giữa quân đội do NATO lãnh đạo và Taliban.

Các quan chức Taliban cùng các nhà ngoại giao và doanh nhân từ Bắc Kinh dự lễ cắt băng khánh thành hôm 24.7, khi các máy xúc bắt đầu làm việc trên con đường dẫn đến khu vực khai thác.

"Thời gian lãng phí trong việc thực hiện dự án cần được phục hồi bằng công việc nhanh chóng", Phó thủ tướng Abdul Ghani Baradar phụ trách các vấn đề kinh tế của Afghanistan phát biểu tại buổi lễ.

Bạo lực đã giảm kể từ khi Taliban tiếp quản quyền lực vào năm 2021 sau khi quân đội nước ngoài rút quân. Chính quyền mới ở Kabul rất muốn khai thác trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Afghanistan.

Con đường dài 9 km ở tỉnh Logar dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới. Các quan chức Taliban cho biết có thể phải mất ít nhất 2 năm trước khi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) khai thác được đồng.

Các phe phái Palestine đồng ý hòa giải, đoàn kết nhờ Trung Quốc làm trung gian

Đồng đạt mức giá kỷ lục trong tháng 5 và các nhà phân tích cho rằng sự bùng nổ của xe điện, năng lượng tái tạo như tua bin gió và trí tuệ nhân tạo (AI) - vốn phụ thuộc vào các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều điện - sẽ duy trì nhu cầu tăng vọt.

Trung Quốc chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ kim loại dẫn điện này trên toàn cầu. Trung Quốc là một trong số ít phái đoàn còn ở lại Kabul khi chính phủ do Mỹ hậu thuẫn rơi vào tay lực lượng Taliban hồi năm 2021. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng để khám phá các dự án tạo lợi nhuận.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác của Afghanistan ở mức 1.000 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.