Trung Quốc đua vận động hành lang trước thềm phán quyết vụ kiện Biển Đông

29/04/2016 15:20 GMT+7

Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch ngoại giao toàn cầu, lôi kéo sự ủng hộ của các nước trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng chống lại Trung Quốc.

 Phán quyết dự kiến sẽ được Toà trọng tài quốc tế ở Hà Lan đưa ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.2016.
Mục tiêu của Bắc Kinh là thuyết phục các nước công nhận đòi hỏi phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ không quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ, một nỗ lực được cho là sẽ đẩy các nước phải lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ.
Trung Quốc đã thuyết phục được Lào, Campuchia và cả Nga, những quốc gia không liên quan gì đến tranh chấp ở Biển Đông, chấp nhận quan điểm của Bắc Kinh giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp. Brunei, nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng ủng hộ Trung Quốc.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Campuchia là ông Phay Siphan nói rằng Phnom Penh không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, theo Phnom Penh Post.
Đến hôm 28.4, tại một diễn đàn về an ninh tổ chức ở Singapore, ngoại trưởng Belarus và Pakistan đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh và đồng quan điểm với Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông, theo South China Morning Post ngày 29.4.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc nói rằng Ấn Độ ủng hộ quan điểm “đàm phán để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông” của Bắc Kinh thay vì dựa vào phán quyết của cơ quan pháp lý bên ngoài. Tuy nhiên, chưa thấy New Delhi chính thức công nhận hay phủ nhận thông tin này từ truyền thông Trung Quốc.
Trung Quốc 'trước sau bất nhất'
 South China Morning Post cho biết trong chiến dịch vận động ủng hộ quanh vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đang nhắm đến một số quốc gia ở khu vực châu Âu, nhưng đặc biệt là châu Phi, nơi nhận nhiều viện trợ từ Bắc Kinh.
Trung Quốc lại tiếp tục các hành động gây hấn bằng những chuyến bay dân sự sắp mở đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Stratfor
Ông Zhu Feng, Giám đốc điều hành Trung tâm hợp tác nghiên cứu Biển Đông thuộc trường đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định rằng Bắc Kinh “không có lựa chọn nào khác” vì Mỹ đã bắt đầu cuộc vận động tương tự.
Washington ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế và đã thuyết phục được nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ủng hộ quan điểm này. Ngoại trưởng các nước G7 ra tuyên bố hồi đầu tháng 4.2016 phản đối “những hành động đơn phương khiêu khích” trong vùng biển có tranh chấp, dù tuyên bố không trực tiếp đề cập Trung Quốc.
Manoranjan Mohanty, cựu chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc ở Delhi (Ấn Độ) nói rằng các nước đang có cảm giác bị ép buộc bởi cả Trung Quốc và Mỹ.
South China Morning Post nhận định chiến dịch vận động của Trung Quốc có thể sẽ tạo ra phản ứng ngược khi Bắc Kinh cố gắng đưa vấn đề Biển Đông lên diễn đàn quốc tế, một hành động được xem là quốc tế hóa, đi ngược với quan điểm truyền thống của Trung Quốc, thậm chí cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố "tranh chấp Biển Đông là vấn đề song phương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.