Trung Quốc dùng 'khủng hoảng Luna' để củng cố lệnh cấm tiền điện tử

17/05/2022 15:00 GMT+7

Sự sụp đổ của Luna và đà lao dốc về giá trị của các loại tiền điện tử khác đã tạo cho chính quyền Bắc Kinh lý do mới để củng cố lập trường cấm tiền điện tử.

Theo South China Morning Post, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang dùng sự sụp đổ của Luna, kéo theo sự sụt giảm của stablecoin TerraUSD (UST), để củng cố lệnh cấm giao dịch tiền điện tử được chính phủ đưa ra hồi năm ngoái.

Khủng hoảng trong giao dịch tiền điện tử giúp Trung Quốc có lý do mới để cảnh báo sự nguy hiểm của tiền điện tử

Reuters

“Vụ việc mới nhất chứng tỏ hành động kịp thời và hiệu quả từ phía các cơ quan quản lý của đất nước”, tờ Economic Daily của nhà nước Trung Quốc đăng trong một bài xã luận hôm 15.5.

Sự kiện Luna đã thống trị tin tức liên quan đến tiền điện tử trong tuần qua, sau khi giá trị của stablecoin UST không còn được gắn với USD và tạm dừng giao dịch vào ngày 12.5. Giá trị hiện tại của đồng tiền này dao động khoảng 15 US cent. UST dựa trên tương tác thuật toán phức tạp với Luna để làm đối trọng duy trì tỷ giá neo với USD. Nhưng hiện Luna hầu như đã sụp đổ và giá trị của nó chỉ còn dưới 1 US cent.

Khủng hoảng trong giao dịch tiền điện tử đã giúp chính quyền Bắc Kinh có lý do mới để cảnh báo đến công chúng sự nguy hiểm của tài sản tiền số, sau gần một năm cấm giao dịch vì lo ngại về sự ổn định tài chính.

“Từng được các chuyên gia tiền điện tử gọi là ‘vàng kỹ thuật số’, nhưng tiền điện tử đang cho thấy bằng chứng về độ rủi ro cao. Giá tiền điện tử cũng có thể dễ dàng bị thao túng mà không có bất kỳ thứ gì có giá trị thực để hỗ trợ chúng”, trích bài xã luận của Economic Daily được đăng lại rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông nhà nước khác.

Được biết, tin tức về Luna và tiền điện tử là chủ đề nóng trên Weibo của Trung Quốc trong nhiều ngày qua, nhưng lưu lượng truy cập xã hội từ các hashtag có liên quan đã bị hạn chế phần lớn vào ngày 16.5. “Trên thực tế, việc những nội dung này lọt vào danh sách xu hướng đã cho thấy có nhiều người Trung Quốc đang theo dõi sự phát triển của tài sản tiền điện tử”, Yang Wenna, chuyên gia phân tích của International Finance Corporation, nói.

Trung Quốc có thái độ phức tạp với blockchain. Mặc dù quảng bá blockchain như một công nghệ quan trọng cho tương lai, nhưng chính quyền Bắc Kinh lại hạn chế quyền truy cập và các hoạt động liên quan đến tiền điện tử trong nhiều năm. Năm 2017, nước này cấm hình thức huy động vốn bằng cách phát hành tiền điện tử lần đầu ra công chúng (ICO), và 4 năm sau đó đã cấm tất cả giao dịch liên quan đến tiền điện tử.

Để phản ứng với tiền điện tử, Trung Quốc đã phát triển nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), không dựa trên blockchain, được quản lý thông qua cơ sở dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kiểm soát. Nó đã được thử nghiệm ở một số thành phố trong vài năm qua và đang được đẩy nhanh việc triển khai trong năm nay. Nền tảng thanh toán di động WeChat Pay của Tencent Holdings và Alipay của Ant Group cũng mở rộng hỗ trợ e-CNY.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.