Chiều 21.2, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã thông tin về một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải tỏa hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc đang ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc kéo dài gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cả hai nước khi nhu cầu xuất nhập khẩu trước và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng cao trong khi hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu không thông quan được buộc phải quay đầu về nội địa bán tháo hoặc đổ bỏ do hàng hóa bị hư hỏng.
Hàng hóa qua lại nhỏ giọt giữa các cửa khẩu, lối mở giữa Trung Quốc và Việt Nam khi nước này siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 dẫn đến ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía bắc |
CTV |
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, số lượng cửa khẩu có hoạt động xuất nhập khẩu trên tuyến biên giới phía bắc rất hạn chế. Trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam và Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Nhưng trước tết Nguyên đán Nhâm Dần chỉ có 11 cửa khẩu, lối mở hoạt động, sau tết chỉ có 9 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động.
Bên cạnh đó, việc thông quan tại các cửa khẩu này cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa qua lại cửa khẩu với tình trạng nhỏ giọt do Trung Quốc áp dụng chính sách phòng chống dịch chặt chẽ và không bố trí được phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp.
Để thúc đẩy thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai bên, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị cơ quan hải quan Trung Quốc nghiên cứu thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã có đủ lực lượng chức năng, đặc biệt là các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới.
Chủ động phối hợp với phía Trung Quốc về kiểm soát dịch
Theo Tổng cục Hải quan, trong những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đang có chiều hướng gia tăng. Để xử lý dứt điểm thì cần sự phối hợp của các địa phương phía Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, triển khai các giải pháp thúc đẩy thông quan, thống nhất biện pháp giao nhận hàng hóa; bố trí đủ phương tiện vận tải, công nhân bốc xếp; thống nhất điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn triển khai “vùng đệm”, “vùng xanh” phòng dịch tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, mỗi địa phương của Trung Quốc có quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch khác nhau. Để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với từng địa phương của Trung Quốc, Bộ Tài chính đã có Công văn số 930/BTC-TCHQ ngày 27.1.2022 gửi Bộ Y tế (là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ này) và giao Cục Hải quan các tỉnh biên giới nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh). Đặc biệt, quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch ở "vùng xanh" hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bình luận (0)