Trung Quốc, Huawei ảnh hưởng lớn lên quy tắc 5G toàn cầu?

Thu Thảo
Thu Thảo
04/02/2019 11:01 GMT+7

Hiện có vài tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cho thế hệ mạng 5G mới, và giới chức an ninh Mỹ lo rằng chính phủ Trung Quốc cùng Huawei Technologies ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức này.

Theo Bloomberg, tương lai 5G, công nghệ hứa hẹn cách mạng hóa viễn thông, sẽ đi qua nhiều cơ quan quốc tế như Dự án Đối tác Thế hệ thứ ba và Liên minh Viễn thông Quốc tế. Các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cho công nghệ, và giới chức an ninh Mỹ đang lo rằng chính phủ Trung Quốc và Huawei ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong những tổ chức này. 
Tính đến tháng 9.2018, giới doanh nghiệp và viện nghiên cứu chính phủ Trung Quốc chiếm số lượng ghế chủ tịch hoặc phó chủ tịch lớn nhất trong Liên minh Viễn thông Quốc tế, cơ quan liên quan đến việc thiết lập chuẩn mực 5G. Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc, Đại lục chiếm tám trong tổng số 39 vị trí lãnh đạo sẵn có, nhiều hơn hẳn Mỹ với chỉ một ghế đại diện, do nhà cung ứng dịch vụ di động Verizon Communications nắm giữ.
“Việc một chính phủ như thế phụ trách về cơ bản như bây giờ là cực kỳ có vấn đề với các mục tiêu của Mỹ, đặc biệt là trong mảng 5G. Họ bỏ phiếu để cố đưa thêm ứng viên cùng các tiêu chuẩn cụ thể của họ lên”, thành viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ Michael O’Rielly cho hay.
Ảnh: Reuters
Huawei, hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đang là mục tiêu trong đợt xử lý mạnh tay của giới chức Mỹ. Phía Mỹ cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dùng thiết bị viễn thông Huawei để do thám nước ngoài. Giới công tố viên Mỹ nộp cáo trạng chống Huawei hôm 28.1, cáo buộc hãng này đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile USA, lừa đảo nhiều ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Huawei bác bỏ mọi cáo buộc.
Michael Kratsios, phó trợ lý về chính sách công nghệ cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho hay Mỹ đã trở thành nước đi đầu trong 4G, và hiện nỗ lực duy trì lợi thế khi nâng cấp, mở rộng sang 5G. Vì thế, ông Kratsios cho rằng nguy cơ Mỹ mất thế lãnh đạo thị trường là có.
Bộ Tài chính Mỹ cùng quan điểm với ông Kratsios khi thể hiện lo ngại về việc Mỹ mất chỗ đứng trong cuộc đua thiết lập tiêu chuẩn, “mở cửa cho Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng trong quá trình này. Riêng ông O’Rielly thì nói: “Tôi rất quan tâm đến việc thiết lập tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn thiên lệch về doanh nghiệp Trung Quốc có thể cực kỳ khó giải quyết, vì nó ảnh hưởng đến nhiều đối tác trong nước và quốc tế mà các hãng Mỹ có liên quan".
Ngược lại với Kratsios, giám đốc chính sách băng thông rộng Doug Brake thuộc Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin Mỹ, thì cho rằng một nước không thể gây ảnh hưởng đến việc thiết lập tiêu chuẩn theo hướng làm tổn hại an ninh Mỹ. “Vài năm qua có rất nhiều sự ngạc nhiên về sự tham gia của Trung Quốc trong các tổ chức, cơ quan thiết lập tiêu chuẩn. Bạn thực sự không thể lén lút đưa một thứ gì đó vào tiêu chuẩn được phát triển thông qua hình thức 3GPP vì nó là quy trình mở. Chúng ta nên khuyến khích Trung Quốc tham gia vào các tiêu chuẩn toàn cầu”, ông Brake nhận định.
3GPP là Dự án Đối tác Thế hệ thứ ba, liên kết bảy tổ chức phát triển tiêu chuẩn viễn thông và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc. ITU tập hợp nhiều đại diện chính phủ và doanh nghiệp, hiện do Houlin Zhao, quan chức Trung Quốc đầu tiên được bầu làm tổng thư ký nhóm. Richard Li của Huawei là chủ tịch của một nhóm kiểm tra công nghệ mới nổi và 5G.
Ảnh: Reuters
3GPP thì góp mặt các giám đốc công ty, và Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều. Số lượng đại diện Trung Quốc góp mặt trong các vị trí chủ tịch hoặc phó chủ tịch tăng từ 9/53 vị trí năm 2012, lên 11/58 vị trí năm 2017. Với vị thế này, công ty Trung Quốc có thể thiết lập chương trình nghị sự và hướng dẫn các cuộc thảo luận về tiêu chuẩn.
Tuy nhiên trong nhóm phát triển tiêu chuẩn 5G quan trọng nhất, hiện Qualcomm vẫn dẫn đầu sau khi đánh bại Huawei trong cuộc bình bầu năm 2017. Hãng chip Mỹ Qualcomm, Intel, cùng hai cái tên Trung Quốc Huawei, ZTE là vài trong số nhiều doanh nghiệp cạnh tranh phát triển công nghệ 5G. Khó khăn pháp lý, danh tiếng của Huawei có thể là lợi ích cho đối thủ trong thị trường thiết bị mạng 5G, trong đó có cả Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
Hiện Qualcomm có 15% số bằng sáng chế cần thiết cho mạng 5G, trong khi các hãng Trung Quốc thì nắm 10%, chuyên gia kinh doanh quốc tế Michael Murphree thuộc Đại học Nam Carolina cho biết. “Nếu 5G chiếm lượng lớn bằng sáng chế của Huawei, thì chuyện bạn mua thiết bị của Huawei hay không không phải là vấn đề. Bạn vẫn phải trả tiền để sử dụng bằng sáng chế của Huawei”, ông Murphree nhận định 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.