Ngày 17.8, tại thành phố Nha Trang, Trường đại học Phạm Văn Đồng và Trường đại học Nha Trang tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là học giả đến từ Úc, Bỉ, Nga, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines... và các nhà nghiên cứu trong nước, đại diện một số bộ, ngành T.Ư và tỉnh Khánh Hòa.
Mâu thuẫn trong hành động và lời nói
Trong bài phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS-TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, nhấn mạnh: “Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Trung Quốc trong thời gian qua tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở khu vực Biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”.
Tại hội thảo, nhiều học giả bày tỏ quan ngại và phản đối trước các hành động đơn phương của Trung Quốc như xây dựng, cải tạo trái phép và đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông; nhấn mạnh các hành động này không phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.
TS Ngô Hữu Phước (Khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng bế tắc, làm cho các tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp và nguy hiểm.
“Tôi cho rằng hoạt động xây đảo nhân tạo và các hành vi gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang hướng tới một trong những mục đích là củng cố và mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của họ trên Biển Đông”, TS Phước nói.
|
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược và cho thấy họ sẵn sàng sử dụng vũ lực. Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ ngoại giao thân thiện với các nước liên quan trong tranh chấp, mặt khác vẫn thúc đẩy yêu sách lãnh thổ của mình thông qua việc ban hành lệnh cấm đánh cá, điều động lực lượng hải quân, hải cảnh, tổ chức diễn tập hải quân và từ từ mở rộng khu vực chiếm đóng.
Theo ông Dutt, chính sách của Trung Quốc làm nảy sinh nhiều câu hỏi: liệu Trung Quốc có muốn đối thoại để tìm cách giải quyết tranh chấp hay không? Có phải Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách bành trướng được tính toán cẩn thận hay không? Về mặt ngoại giao, Trung Quốc liên tục tỏ ý muốn giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, liệu đây có phải chỉ là một chiêu kéo dài thời gian chờ cơ hội cho phép Trung Quốc có thể áp đặt “luật chơi” riêng của mình?...
“Tất cả hành động của Trung Quốc đều nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng. Trung Quốc đã lập ra một kế hoạch và đang từng bước thực hiện nó. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ thay đổi hành động chiến lược của mình. Tôi cũng có suy nghĩ rằng đặc điểm lớn hiện nay trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, ông Dutt nói.
Trung Quốc cần từ bỏ ngay “đường 9 đoạn”
Liên quan tới “đường 9 đoạn”, TS Jeong Gab-yong (Đại học Youngsan, Hàn Quốc) nói rằng ông “không tìm thấy ý nghĩa” của đường này. “Trung Quốc chỉ vẽ ra một đường không có chỉ dẫn địa lý rõ ràng nào. Trung Quốc chưa bao giờ giải thích rõ ràng ý nghĩa của “đường 9 đoạn”. Cái gọi là “đường 9 đoạn” đi ngược lại các quy tắc luật pháp quốc tế cũng như Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách về “đường 9 đoạn” một cách tự nguyện và ngay lập tức”, ông Jeong nói.
Về phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, các học giả có chung nhận định phán quyết có ý nghĩa to lớn đối với việc làm rõ các cơ sở yêu sách biển cũng như giúp thu hẹp phạm vi các khu vực biển có tranh chấp giữa các bên liên quan và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy đối thoại và hợp tác ở Biển Đông.
Theo GS Erik Franckx (Trưởng khoa Luật quốc tế và luật châu Âu và Giám đốc Trung tâm luật quốc tế, ĐH Brussel, Bỉ; thành viên Tòa trọng tài thường trực), Trung Quốc luôn nói là không tôn trọng và không chấp nhận phán quyết, tuy nhiên Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các phiên đàm phán song phương với các quốc gia láng giềng. “Các nước đang rất cẩn trọng với các đòi hỏi của Trung Quốc, kể từ sau vụ kiện này. Điều chúng ta có thể thừa nhận ở đây là: tòa đã chứng minh “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý”, GS Franckx nói.
Bình luận (0)