Trung Quốc khoe máy bay tàng hình J-20

02/11/2016 07:44 GMT+7

Giới chuyên gia đặt ra nhiều nghi vấn sau khi Trung Quốc lần đầu tiên cho trình diễn chiến đấu cơ tàng hình tự chế tạo J-20.

Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải, diễn ra tại TP.Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, chính thức khai mạc ngày 1.11 và sẽ kéo dài 6 ngày. Đây được xem là cơ hội để Trung Quốc phô trương tham vọng trong lĩnh vực hàng không dân dụng và quốc phòng. Đáng chú ý nhất tại sự kiện năm nay là sự xuất hiện lần đầu tiên của mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20.
Theo Reuters, 2 chiếc J-20 hôm qua 1.11 có màn bay biểu diễn trong chưa đầy 1 phút trước sự chứng kiến của đám đông gồm hàng trăm quan chức, khán giả và đại diện các tập đoàn công nghiệp quốc phòng. Sau màn bay cặp ở tầm thấp, một trong 2 chiếc nhanh chóng rời đi, chiếc còn lại thực hiện một loạt động tác lộn vòng, để lộ hình dáng cánh tam giác.
Theo giới quan sát, J-20 được xem là một biểu tượng trong chiến lược của Trung Quốc thu hẹp cách biệt về công nghệ quân sự với Mỹ trong bối cảnh nước này ngày càng có hành động quân sự hóa mạnh tay tại Biển Đông và Hoa Đông. Theo tờ South China Morning Post, J-20 sẽ bay qua khu vực triển lãm mỗi ngày nhưng không được trưng bày dưới đất “nhằm giữ bí mật quốc phòng”. Tờ báo dẫn lời một sĩ quan giấu tên giải thích J-20 “sở hữu nhiều công nghệ cao về tàng hình và có thể bị lộ nếu để các bên khác tiếp cận kích thước thân hay độ cân đối của cánh với thân. Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nhận định vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về chiến đấu cơ mới.
“Chúng tôi vẫn biết rất ít ngoại trừ việc máy bay phát ra tiếng động rất lớn. Chưa thể khẳng định J-20 dùng động cơ gì cũng như các khả năng của máy bay”, chuyên gia Grey Waldron thuộc chuyên trang FlightGlobal nói.
J-20, do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo, từng được ví với các chiến đấu cơ tàng hình F-22 hay F-35 của Mỹ và Bắc Kinh khẳng định máy bay hoàn toàn là sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, trang Sina dẫn các nguồn tin quốc phòng nói 2 chiếc J-20 biểu diễn tại Chu Hải hôm qua rất có thể được gắn động cơ Saturn AL-31FM2 của Nga thay vì động cơ Xian WS-15 được chế tạo trong nước.
Nga chưa triển khai đại trà AL-31FM2, nhưng mẫu AL-31FM1 đã được lắp đặt trên các chiến đấu cơ Su-27SM3, Su-30M2 và Su-34. Ngoài ra, nếu thật sự sử dụng AL-31FM2 thì J-20 không thể được xem là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 do vẫn dùng động cơ của máy bay đời cũ.
Bên cạnh đó, theo South China Morning Post, Trung Quốc cũng sẽ trình làng tại triển lãm năm nay hệ thống radar SLC-7. Thiết bị này được quảng cáo là có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 300 -400 km, kể cả máy bay tàng hình. SLC-7 do Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc chế tạo và giới chức từ chối bình luận về khả năng triển khai ra Biển Đông.
Một phương tiện đáng chú ý khác là AG600, được cho là chiếc thủy phi cơ lớn nhất từng được sản xuất. Reuters dẫn lời giới quan sát cho rằng máy bay này hoàn toàn phù hợp để làm nhiệm vụ tiếp tế cho các tiền đồn quân sự ở khu vực tranh chấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.