Trung Quốc là nước có nhiều hạn chế nhất về dữ liệu xuyên biên giới

21/07/2021 12:28 GMT+7

Theo báo cáo của Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin (ITIF), Trung Quốc là nước có nhiều hạn chế nhất về luồng dữ liệu xuyên biên giới, với 29 chính sách địa phương hóa dữ liệu.

Báo cáo được công bố vào thời điểm nhiều chính phủ đang đưa ra các quy tắc điều chỉnh luồng dữ liệu qua biên giới. ITIF phát hiện có 62 quốc gia hiện đã áp dụng tổng cộng 144 biện pháp địa phương hóa dữ liệu, cao hơn gần gấp đôi con số ghi nhận được vào năm 2017, khi có 35 quốc gia ban hành 67 biện pháp hạn chế dữ liệu.
Việc lưu trữ dữ liệu trong nước đang trở thành xu hướng của các chính phủ trên toàn thế giới, nhưng nỗ lực này nhiều khả năng “tự chuốc lấy thất bại”, vì hạn chế luồng dữ liệu sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế bằng cách kìm hãm thương mại, giảm năng suất và tăng giá cho các ngành công nghiệp hạ nguồn vốn có liên kết gần nhất với người dùng hằng ngày.
Theo báo cáo, Trung Quốc thường viện dẫn vấn đề chủ quyền khi áp đặt quy định lưu trữ dữ liệu quan trọng trong biên giới. Các công ty công nghệ Mỹ, từ Apple cho đến Tesla, đều bị luật pháp Trung Quốc yêu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng nước này ngay tại đại lục. Trong khi đó, Washington cũng đang tăng cường giám sát đối với quyền truy cập vào dữ liệu người dùng của các ứng dụng Trung Quốc.
“Nhiều quốc gia muốn dữ liệu của họ được lưu trữ cục bộ để nó không trở thành yếu tố kinh doanh miễn phí cho các nước khác”, Lu Chuanying, Giám đốc trung tâm quản trị không gian mạng quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói.
Bắc Kinh gần đây đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia để ban hành một loạt luật và quy định nhằm hạn chế việc “dữ liệu quan trọng” bị rò rỉ ra nước ngoài. Luật Bảo mật dữ liệu của quốc gia, được công bố vào tháng 6.2021, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1.9 năm nay, đã đặt ra hình phạt nặng nề cho những vi phạm như vậy. Ví dụ, các công ty chuyển “dữ liệu cốt lõi” của nhà nước ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hình phạt lên tới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu USD) và có thể bị buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, điều gì là “dữ liệu cốt lõi” vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Công ty Trung Quốc có liên hệ quân đội thu thập dữ liệu gien của hàng triệu phụ nữ trên thế giới?

Đầu tháng này, Trung Quốc cũng cập nhật các Biện pháp Đánh giá An ninh Mạng, một quy định được ban hành lần đầu tiên vào năm ngoái. Bản cập nhật yêu cầu tất cả các công ty công nghệ sở hữu dữ liệu cá nhân của ít nhất một triệu người dùng phải trải qua quá trình xem xét của cơ quan chức năng trước khi tiến hành IPO ở thị trường nước ngoài.
Địa phương hóa dữ liệu không chỉ diễn ra ở các quốc gia quan tâm đến kiểm soát không gian mạng như Trung Quốc và Nga, mà còn được tiến hành ở Liên minh châu Âu (EU), khiến các ông lớn công nghệ Mỹ đang thống trị tại thị trường này phải đặc biệt cảnh giác.
Năm 2016, Nghị viện châu Âu đã phê duyệt Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), một trong những luật về quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trên thế giới, và Đạo luật quản trị dữ liệu được đề xuất bởi EU. Tuần trước, Tòa án Công lý EU đã vô hiệu hóa cơ chế Privacy Shield mà các công ty công nghệ như Facebook và Google sử dụng để chuyển dữ liệu thương mại từ châu Âu sang Mỹ.
Theo South China Morning Post, ngoài báo cáo trên, ITIF còn đề xuất “Công ước Geneva về dữ liệu” giữa Mỹ và các đồng minh như Canada, Anh và Nhật Bản, để hình thành một khuôn khổ chung cho việc chia sẻ dữ liệu, trừ các quốc gia và khu vực hạn chế dữ liệu như Trung Quốc, Nga và EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.