Trung Quốc lo Ấn Độ điều tên lửa đến biên giới

27/08/2016 14:14 GMT+7

Chính quyền và báo giới Trung Quốc thi nhau phản ứng việc Ấn Độ triển khai tên lửa siêu thanh BrahMos đến biên giới 2 nước.

Theo tờ The Times of India, chính phủ Ấn Độ chính thức “bật đèn xanh” cho quân đội triển khai một trung đoàn tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đến vùng đồi núi miền đông bắc giáp biên giới với Trung Quốc.
Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua kế hoạch điều động khoảng 100 tên lửa với chi phí hơn 43 tỉ rupee (hơn 641 triệu USD). Trung đoàn này còn bao gồm 5 bệ phóng tự hành trên xe tải hạng nặng và một chốt chỉ huy di động.
Với tầm bắn 290 km, BrahMos là tên lửa hành trình chiến thuật phi hạt nhân do Ấn Độ cùng Nga hợp tác chế tạo, hiện đã trở thành một trong những loại vũ khí chính xác và linh hoạt nhất trên thế giới, có thể được bắn từ tàu, tàu ngầm, máy bay hoặc đất liền.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ “giữ bình tĩnh và tránh hành động gây tổn hại đến sự ổn định”. Hãng tin Sputnik hôm qua 26.8 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể làm nhiều hơn nữa vì hòa bình và ổn định trong khu vực hơn là ngược lại”. Trong bài bình luận cùng ngày, tờ PLA Daily chỉ trích động thái của Ấn Độ “vượt xa nhu cầu phòng thủ và đe dọa nghiêm trọng” khu vực Tây Tạng cùng tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Theo kế hoạch, tên lửa BrahMos sẽ được bố trí tại bang Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ - Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ và đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận về đường phân định biên giới.
Trước đó, New Delhi đã đưa 100 xe tăng T-72 đến vùng Ladakh, vốn cũng đang xảy ra tranh chấp. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra. “Một số lớn công ty Trung Quốc đang để mắt đến Ấn Độ. Điều khó xử là cùng với việc triển khai xe tăng gần biên giới Trung Quốc, Ấn Độ vẫn cố gắng thu hút đầu tư của Trung Quốc”, tờ Hoàn Cầu thời báo viết.
Những động thái của Ấn Độ được tiến hành sau khi lính Trung Quốc gần đây liên tiếp bị cáo buộc xâm nhập các chốt biên phòng Ấn Độ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư phát triển các tuyến đường và sân bay gần biên giới, khiến New Delhi lo ngại. Trong bối cảnh đó, dư luận đang chú ý đến cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào đầu tháng 9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.