Trong một bài xã luận được website của tờ Nhân Dân Nhật báo đăng lại trong hôm nay, 13.8, mạng Tin tức Trung Quốc khẳng định Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích gần đây của họ là “những quả đấm liên hoàn” nhằm bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích của họ.
|
Mạng Tin tức Trung Quốc đã điểm lại các hoạt động gây hấn mới đây của Trung Quốc như thiết lập “thành phố Tam Sa” vào ngày 24.7, cử đội tàu hải giám tuần tra ở biển Đông và cử đội tàu cá gồm 30 chiếc đến đánh bắt ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Không khó để nhận thấy rằng ngoài các biện pháp ngoại giao, Trung Quốc cũng bảo vệ chủ quyền và lợi ích bằng “các quả đấm liên hoàn”, bao gồm các biện pháp hành chính, kinh tế và quân sự, cũng như sự kết hợp giữa các tổ chức chính quyền và phi chính quyền”, bài xã luận viết.
Liên quan đến các hoạt động gần đây của Bắc Kinh, hãng tin Bloomberg ngày hôm nay cũng dẫn lời chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ) Andrew Nathan cho biết Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ những yêu sách chủ quyền phi lý của họ.
“Trung Quốc sẽ không có lợi thế nào nếu họ thoái lui hoặc ngồi vào bàn đàm phán. Trung Quốc sẽ không hạ nhiệt và tình thế hiện tại phản ánh một chiến lược lâu đời nhằm dần dần xác lập chủ quyền của họ theo thời gian mà không lùi một phân”.
Vào hôm 12.8, tờ New York Times cũng có bài viết tường thuật những diễn biến gần đây ở biển Đông, đề cập đến đường lưỡi bò phi lý mà Trung Quốc vẽ ra tại khu vực.
Tờ báo nổi tiếng của Mỹ đã trích dẫn một cách mỉa mai những phát biểu của Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn phân bua rằng Trung Quốc không muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông mà chỉ muốn có… 80%.
Tương tự bài xã luận của mạng Tin tức Trung Quốc, ông Ngô Sĩ Tồn, người cũng giữ chức Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam, tuyên bố không có hành động nào của Trung Quốc được thực hiện không đúng thời điểm.
Tờ New York Times cũng dẫn lời một phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc khẳng định nước này không chỉ ra yêu sách chủ quyền với hầu hết các hòn đảo ở biển Đông mà còn muốn xác lập các quyền khai thác tài nguyên, thủy sản và kiểm soát lưu thông trong khu vực “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, tờ New York Times nhấn mạnh rằng, “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, một trong những nguồn gốc xung đột ở biển Đông, không được bất cứ nước nào công nhận.
Sơn Duân
>> Trung Quốc bàn chuyện biển Đông với 3 nước ASEAN
>> Phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông
>> Tiếp tục phát hiện nhiều bản đồ sai sự thật do Trung Quốc sản xuất
>> Mỹ - Nhật tăng cường theo dõi Trung Quốc
>> Tuần duyên Mỹ bắt tàu cá Trung Quốc
>> Truyền thông Trung Quốc nổi khùng với Mỹ vì biển Đông
>> Chia sẻ bản đồ Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa
>> Philippines tố Trung Quốc giăng dây thừng bao Scarborough
>> 23.000 tàu Trung Quốc tràn vào biển Đông
>> Trung Quốc đưa 9 ngàn tàu cá ra biển Đông
Bình luận (0)