Trung Quốc muốn chế tạo 'siêu' kính viễn vọng tìm vật chất tối

19/06/2022 06:38 GMT+7

Báo South China Morning Post ngày 18.6 đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đang muốn xây dựng một đài quan sát vũ trụ thế hệ mới có thể giúp họ dẫn đầu trong việc tìm kiếm vật chất tối.

Bản phác thảo kế hoạch xây dựng Kính viễn vọng không gian tia gamma diện tích lớn (VLAST) đã được đăng trên tạp chí Trung Quốc Acta Astronomica Sinica gần đây.

Theo bài báo, nhóm nghiên cứu đã đệ trình đề xuất xây dựng VLAST lên Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc hồi tháng 3 và đang chờ xét duyệt. Nếu sớm được chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh, VLAST có thể đi vào quỹ đạo vào cuối thập niên này. VLAST vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng nhóm nghiên cứu hướng đến việc giúp nó đạt được độ nhạy gấp 10 lần Kính thiên văn vũ trụ tia gamma Fermi của NASA, hiện là kính thiên văn tia gamma nhạy nhất trên thế giới.

Kính thiên văn vũ trụ tia gamma Fermi của NASA có thể sớm “lỗi thời” trước kính thiên văn của Trung Quốc

NASA

Tia gamma là dạng ánh sáng có năng lượng cao nhất. Chúng giúp các nhà khoa học quan sát những thứ như sao neutron quay nhanh, lỗ đen siêu đặc và tìm bằng chứng gián tiếp về vật chất tối, thứ được cho là tạo nên phần lớn vật chất trong vũ trụ nhưng vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh.

Các nhà thiên văn học tin rằng vật chất tối phải tồn tại thì mới có lực hấp dẫn để giữ các thiên hà và cụm thiên hà lại với nhau. Theo giả thuyết, khi các hạt vật chất tối va chạm nhau, chúng sẽ phân hủy hoặc tiêu diệt lẫn nhau, đồng thời tạo ra tia gamma mà kính thiên văn có thể phát hiện được.

VLAST sẽ theo dõi tia gamma vũ trụ trong phổ năng lượng từ 0,3 giga-electron volt đến 20 tera-electron volt. Ngoài việc săn tìm vật chất tối, các nhà khoa học cũng có kế hoạch sử dụng VLAST để tìm hiểu về vụ nổ tia gamma, sao đôi tia X và nguồn gốc của tia vũ trụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.