Trung Quốc muốn chia 'miếng bánh' bán lẻ trăm tỉ USD

20/08/2016 07:19 GMT+7

Sau làn sóng các tập đoàn bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... mở chuỗi cửa hàng, siêu thị tại VN, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu tăng tốc trên thị trường này.

Từ cửa hàng đến sàn online
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng Miniso đang là cái tên được nhắc đến khá nhiều trên thị trường bán lẻ, khi mới đây công bố chính thức vào VN thông qua việc nhượng quyền thương hiệu với Tập đoàn Lê Bảo Minh. Chia sẻ với báo chí, Công ty Lê Bảo Minh cho biết dự kiến mở 13 cửa hàng tại các thành phố lớn trong năm nay. Trên trang web chính thức của Miniso giới thiệu công ty này được thành lập bởi một người Nhật tên Miyake Junya và một tập đoàn đến từ Trung Quốc (đại diện là doanh nhân Ye Guofu). Trong đó, ông Miyake Junya đóng vai trò là nhà thiết kế, còn tập đoàn Trung Quốc quản lý cả thương hiệu và kinh doanh Miniso.
Trước đó, trong tháng 4, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba đã chi ra 1 tỉ USD để kiểm soát trang bán hàng thương mại điện tử Lazada Đông Nam Á, bao gồm ở VN. Lazada là website bán hàng thương mại điện tử đã có mặt tại VN sau 3 năm với nguồn gốc của các ông chủ đến từ Đức và nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường này. Việc Alibaba bỏ ra một số tiền lớn để thâu tóm đơn vị này cho thấy quyết tâm lấn chiếm và mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á trong thời gian nhanh nhất. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng với thế mạnh, nguồn lực từ Alibaba thì tất yếu, Lazada tại VN sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn thông qua việc có thể chi nhiều tiền hơn cho các chiến dịch quảng cáo, gia tăng lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc, nhất là các sản phẩm điện tử gia dụng, hàng thời trang... Thậm chí mới đây, theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Alibaba cũng đã vượt mặt Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Hiện số giao dịch trực tuyến của Alibaba chiếm 10% giao dịch bán lẻ ở Trung Quốc và hỗ trợ 15 triệu việc làm.
Doanh nghiệp Việt quá chậm chân
Dù xuất hiện từ lâu nhưng hiện nay các hệ thống cửa hàng mini mang thương hiệu VN dần đóng cửa hay bán cho các đối tác ngoại. Số còn lại chỉ gồm vài thương hiệu như Vinmart, Co.op Food, Satra Foods... Hay như các DN thương mại điện tử dù đã có mặt hơn 10 năm trước nhưng vẫn bị Lazada vượt mặt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, thị trường tiêu dùng VN luôn hấp dẫn với doanh thu bán lẻ hơn 100 tỉ USD trong năm qua. Đặc biệt thị trường khu vực nông thôn còn khá mênh mông là cơ hội lớn cho các DN khai thác. Đồng thời xu hướng mua bán qua mạng đang phát triển mạnh là cách tiếp cận nhanh nhất với người tiêu dùng hiện nay. Từ trước đến nay, hàng tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu vào VN bằng đường tiểu ngạch thì nay đã dần dần bị hàng Thái, hàng Nhật cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, việc tham gia của các DN bán lẻ Trung Quốc nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại VN là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây sẽ là nguy cơ cho DN trong nước cũng như hàng hóa của VN.
“Chúng ta không bài xích hàng hóa có chất lượng mà chỉ sợ hàng nhái, hàng kém chất lượng theo chân các hệ thống bán lẻ, bán hàng qua mạng tràn ngập vào thị trường nội địa. Người tiêu dùng Việt đang bị bủa vây với hàng loạt thương hiệu từ nước ngoài trong khi các DN trong nước chuyển mình khá chậm. Tương tự hàng hóa của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, sắp tới hàng hóa Trung Quốc cũng có thể đi theo con đường chính thống này. DN nội địa lại càng phải cạnh tranh gay gắt hơn”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Theo ông Lê Phụng Hào - Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, chắc chắn tỷ lệ hàng Trung Quốc sẽ gia tăng cùng với sự xuất hiện của các tập đoàn bán lẻ nước này. Thay vì phải đối phó với hàng kém chất lượng hay hàng nhập lậu tràn về ở các vùng xa thì sắp tới, chúng ta sẽ cạnh tranh với nhiều hàng hóa Trung Quốc có mặt tại những cửa hàng chính thống, sang trọng ngay ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, ông Lê Phụng Hào cho rằng quan trọng nhất là các DN trong nước phải tăng sức cạnh tranh, tìm ra hướng khác biệt như về mẫu mã, dịch vụ... Vì nếu cạnh tranh về giá thì chắc chắn không thể nào đọ được "người khổng lồ" Trung Quốc. Bởi với người tiêu dùng, không thể mãi hô hào suông mà cần phải cung cấp cho họ sản phẩm có chất lượng tương xứng với giá tiền họ phải bỏ ra. Alibaba đã cung cấp bán sỉ cho các DN tại VN thời gian qua thông qua các sàn thương mại điện tử. Giờ họ đẩy mạnh mảng bán lẻ bằng việc thâu tóm Lazada và chắc chắn sẽ tiếp tục theo chiến lược đầu tư lớn để chiếm thị phần, chiếm người tiêu dùng nhiều hơn. Điều đó bắt buộc các DN trong nước phải có chiến lược cạnh tranh phù hợp hơn nếu không muốn bị thua kém quá xa.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu suy giảm nên các DN bắt đầu tấn công mở rộng thị trường nước ngoài. Chiến lược truyền thống để thâm nhập nhanh là nhượng quyền thương hiệu, mua lại các hệ thống bán lẻ có sẵn... đang được áp dụng. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, bản thân DN Việt từ sản xuất đến phân phối đều phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề cần phát huy năng lực bảo vệ thành viên thông qua việc kiểm soát, theo dõi và phát hiện các gian lận thương mại như bán phá giá, trốn thuế, mập mờ quảng cáo... của các DN nước ngoài để kiến nghị Chính phủ xử lý. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cũng như tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và cũng sẽ nâng cao uy tín cho DN VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.