(TNO) Máy bay tàng hình và máy báy không người lái của Mỹ trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc bởi vì không quân nước này không thể bắn hạ hai loại máy bay này.
Các máy bay tàng hình và máy bay không người lái được Mỹ sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố, vì thế mà chúng là một mối đe dọa lớn cho Không quân Trung Quốc, theo nhận định của tờ tuần san Phương Đông thuộc Tân Hoa xã ngày 13.8.
Lữ đoàn phòng không 47 thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đồn trú tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) gần đây mở cửa cho phóng viên báo đài trong nước tham quan nhân dịp kỷ niệm 86 năm thành lập PLA.
Phát biểu với báo chí, các lãnh đạo lữ đoàn 47 cho biết họ được trang bị tên lửa đất đối không HQ-7B với tầm bắn 6.000 m, được thiết kế để tấn công máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái của địch ở cự ly thấp và tầm trung.
Lữ đoàn 47 cũng sử dụng súng bắn pháo phòng không hai nòng PG99 35 mm và súng bắn pháo phòng không PG59 57 mm.
Không quân Trung Quốc từng tuyên bố rằng họ đã bắn hạ được 5 máy bay trinh sát U-2 với tầm bay cao đến 25.900 m của quân đội Mỹ trong giai đoạn từ năm 1962 đến 1967. Tuy nhiên, tờ Phương Đông đặt ra nhiều nghi vấn trước tuyên bố này.
|
Tờ Phương Đông đưa ra dẫn chứng, trong chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991, mặc dù Iraq đã triển khai các hệ thống pháo phòng không như PG99 và PG59, nhưng không có máy bay chiến đấu nào của Mỹ và phe liên minh bị bắn hạ. Chiến tranh Vùng Vịnh, bùng nổ từ ngày 2.8.1990 và kết thúc vào ngày 28.2.1991, là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh 34 quốc gia do Mỹ đứng đầu và được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait.
Theo tờ Phương Đông, trong lịch sử quân đội thế giới, chỉ có 1 máy bay tàng hình của Mỹ bị bắn rơi. Đó là máy bay ném bom tàng hình F-117A Night Hawk của Mỹ bị tên lửa SA-3 của các lực lượng Serbia bắn rơi vào ngày 27.8.1999, tại khu vực cách thủ đô Belgrade của Serbia 32 km trong chiến tranh Kosovo (1998-1999).
Lực lượng Serbia đã áp dụng chiến lược đánh du kích bằng tên lửa SA-3 (tầm bắn 15 km), tức là không bật hệ thống radar, “đánh lừa” F-117 bay đến khu vực cách bệ phóng tên lửa 13 km mới phóng tên lửa SA-3. Với chiến thuật đánh du kích này F-117 khó mà “thoát thân”.
Nhưng PLA không phải là một lực lượng du kích, chính vì lẽ đó mà theo tờ Phương Đông, Trung Quốc không thể áp dụng chiến thuật đánh du kích kể trên để chống lại máy bay tiêm kích Mỹ.
Tờ Phương Đông cũng cho rằng tuyên bố có thể dùng tên lửa HQ-7B của Lữ đoàn 47 với tầm bắn 6.000 m để tiêu diệt máy bay tiêm kích của Mỹ như chiếc F-117A Night Hawk (có thể bay cao đến 21.000 m) là vô căn cứ.
Phúc Duy
>> Mỹ mua thêm 32 máy bay tàng hình F-35
>> Iran sao chép máy bay tàng hình Mỹ
>> Thổ Nhĩ Kỳ mua 12 chiến đấu cơ và máy bay tàng hình
>> Trung Quốc lại “thử máy bay tàng hình”
>> Máy bay tàng hình Trung Quốc dùng công nghệ Mỹ?
Bình luận (0)