Giao tranh giữa quân đội và lực lượng nổi dậy ở Myanmar chủ yếu diễn ra tại bang Shan ở phía bắc nước này. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 300.000 người ở Myanmar đã phải sơ tán kể từ khi lực lượng nổi dậy bắt đầu chiến dịch phối hợp tấn công nhằm vào quân đội chính quy Myanmar hôm 27.10.
Trong một tuyên bố ngày 14.12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay các cuộc đàm phán đã được tổ chức tại Trung Quốc trong những ngày gần đây, nhưng không cung cấp thêm chi tiết, theo Reuters. Trung Quốc hy vọng các bên liên quan ở Myanmar sẽ thực hiện các thỏa thuận và đồng thuận đã đạt được, kiềm chế tối đa và chủ động giảm thiểu căng thẳng trên thực địa.
"Trung Quốc đã làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn chiến sự và thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan ở Myanmar, đồng thời nỗ lực khiến tình hình xuống thang và hạ nhiệt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết.
Theo bà Mao, số lượng các vụ đụng độ và đấu súng ở miền bắc Myanmar đã giảm đáng kể. "Điều này không chỉ phục vụ lợi ích của các bên liên quan ở Myanmar mà còn góp phần duy trì hòa bình dọc biên giới Trung Quốc - Myanmar", bà nói.
Quân đội Myanmar, lực lượng đã nắm quyền điều hành đất nước sau chính biến tháng 2.2021, đầu tuần này cho biết họ đã gặp lực lượng nổi dậy và các bên khác trong xung đột. Một vòng đàm phán khác dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, hôm 13.12, liên minh nổi dậy tái khẳng định cam kết đánh bại quân đội, và không đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình hoặc việc ngừng bắn.
Liên minh nổi dậy bao gồm ba nhóm: Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).
Bình luận (0)