Trung Quốc phá vỡ lời hứa không mua than của Triều Tiên

29/09/2017 08:47 GMT+7

Trung Quốc bất ngờ bắt đầu mua than trở lại từ Triều Tiên hồi tháng trước, và điều này đã đặt ra những câu hỏi về cam kết của Bắc Kinh trong việc thắt chặt thương mại đối với nước láng giềng.

Theo CNN, Trung Quốc hồi tháng 2.2017 tuyên bố rằng nước này sẽ ngăn chặn tất cả các lô hàng than nhập khẩu từ Triều Tiên cho đến cuối năm nay. Số liệu hải quan chính thức của Trung Quốc cho thấy họ vẫn giữ được cam kết trên cho đến hết tháng 7.2017. Tuy nhiên, tháng trước Đại lục đã bất ngờ nhập khẩu trở lại 1,64 triệu tấn than, trị giá khoảng 138 triệu USD, từ Triều Tiên.
Tin tức về việc mua than xảy đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn thương mại giữa Triều Tiên và các nước khác, góp phần gây áp lực để chế độ ông Kim Jong-un phải hạn chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Than là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Triều Tiên sang Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nền kinh tế khép kín nhất thế giới. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 11.2016 đã đưa ra một giới hạn về xuất khẩu than của Triều Tiên, và sau đó đã ra lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ mặt hàng này vào tháng qua.
Các chuyên gia Mỹ cho biết, việc Bắc Kinh nhập khẩu than từ nước láng giềng vào tháng 8.2017 làm nổi bật thái độ không sẵn lòng chấp nhận lệnh cấm quốc tế cũng như phá vỡ những lời hứa hẹn của họ trong cắt giảm thương mại với Bình Nhưỡng.
“Ngay cả khi Trung Quốc không chính thức vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, thì chính họ cũng đã nhiều lần tự vi phạm tinh thần, sự trung tín của mình. Việc Trung Quốc nhập khẩu than nhưng lại khai báo là không có gì trong phần khối lượng nhập khẩu thực đã khiến tôi phải đặt câu hỏi”, Kent Boydston, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, đặt vấn đề.
Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nhận xét rằng động thái nhập khẩu than trở lại từ Triều Tiên “cho thấy Trung Quốc không phải là một đối tác đáng tin cậy”. “Đưa ra lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty và ngân hàng của Trung Quốc sẽ là cách làm rõ những hậu quả do Bắc Kinh vi phạm các biện pháp chế tài dành cho Triều Tiên mà Liên Hiệp Quốc (UN) đã đưa ra”, ông Ruggiero nói.
Song, ông Tong Zhao, một thành viên của Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, lại cho rằng Trung Quốc không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào của UN đối với việc nhập khẩu than từ Triều Tiên. “Tôi không nghĩ đó là một hành động tồi tệ. Nó chỉ tạo ra một khoản tiền khiêm tốn đối với Triều Tiên và không có tác động đáng kể đến chương trình hạt nhân của nước này”, ông Tong Zhao cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.