Trung Quốc sau 40 năm cải cách
19/12/2018 08:05 GMT+7
Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng trong đó nhấn mạnh Trung Quốc cần tiếp tục con đường cải cách kinh tế khởi đầu từ thời Đặng Tiểu Bình.
Tự động phát
Trung Quốc đang đối mặt với những mối nguy hiểm và đe dọa “vô phương hình dung” và phải dựa vào Đảng Cộng sản cũng như cải cách kinh tế để vượt qua tình cảnh chông gai phía trước. Đó là khẳng định của Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và được phát trên sóng truyền hình quốc gia nhân kỷ niệm 40 năm cải cách, theo tờ South China Morning Post. Năm 1978, với sự khởi xướng của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bắt đầu triển khai công cuộc mở cửa và cải cách kinh tế, mở đường cho sở hữu tư nhân trong nhiều ngành công nghiệp và cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường một cách có kiểm soát. Với hướng đi đó, Trung Quốc giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy vậy, đà tăng trưởng chậm dần, mức tiêu dùng giảm cùng cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ đang khiến giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc không khỏi lo lắng.
Về quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Tập khẳng định Bắc Kinh không có ý đồ đoạt quyền bá chủ, và ngày càng tiến gần đến vị trí trung tâm của vũ đài thế giới. “Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển mà buộc các nước khác phải trả giá, nhưng sẽ chẳng bao giờ từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sự phát triển của Trung Quốc không đe dọa bất kỳ nước nào”, ông tuyên bố. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh không ai có quyền “ra lệnh” cho người Trung Quốc phải làm gì hoặc không nên làm gì. Ngoài ra, ông Tập cho biết Trung Quốc tiếp tục duy trì lý tưởng như từ trước đến nay, bao gồm chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết ba đại diện của Giang Trạch Dân, khái niệm phát triển khoa học và Tư tưởng Tập Cận Bình mới được bổ sung vào cuối năm ngoái.
AFP dẫn lời Giáo sư Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist Hồng Kông nhận định việc ông Tập không đưa ra được các kế hoạch cải cách cụ thể trong thời gian tới nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy nội bộ Bắc Kinh chưa thống nhất về cách xử lý cuộc chiến thương mại và những vấn đề chính trị khác.
Bình luận (0)