Trung Quốc sẽ tăng hỏa lực cho tiêm kích J-20 bằng UAV bầy đàn?

Văn Khoa
Văn Khoa
25/09/2022 15:58 GMT+7

Một tạp chí quân sự của Trung Quốc mới đây cho rằng phiên bản hai chỗ ngồi của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 có thể được kết hợp với máy bay không người lái (UAV) để tăng hỏa lực.

“Như ông Dương Vĩ, nhà thiết kế chính của J-20, đã nói rằng mục đích của việc chế tạo chiếc J-20 hai chỗ ngồi không phải chỉ xem phiên bản mới là máy bay huấn luyện, mà vai trò chính của phiên bản mới sau này chắc chắn sẽ là phối hợp với các máy bay không người lái”, tạp chí Ordnance Industry Science Technology viết trong một bài báo gần đây, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 25.9.

Không quân Trung Quốc đã công bố một bức ảnh do máy tính tạo ra về phiên bản hai chỗ ngồi của J-20 trong một video vào tháng 1.2021. Một mẫu thử nghiệm của J-20 hai chỗ ngồi đã được công bố vào tháng 10.2021, theo SCMP.

Một mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20 hai chỗ ngồi của Trung Quốc được công bố trong tháng 10.2021

CHụp màn hình SCMP

So với máy bay một chỗ ngồi, thường nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn, máy bay hai chỗ ngồi nặng hơn và có thể được triển khai để thực hiện các hoạt động đa nhiệm vụ trong phạm vi xa hơn. Khi kết hợp với UAV, J-20 hai chỗ ngồi có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tấn công và chỉ huy mang tính phối hợp, theo bài báo của Ordnance Industry Science Technology.

“Là một máy bay có người lái, J-20 có thể hoạt động như một chỉ huy của bầy máy bay không người lái. Máy bay không người lái có thể được sử dụng như “tai và mắt”, giúp mở rộng phạm vi nhận thức tình huống của J-20 và nâng cao khả năng do thám cũng như xác định vị trí mục tiêu của máy bay có người lái”, Ordnance Industry Science Technology viết.

Chỉ huy không quân Mỹ chưa phải 'mất ngủ' vì tiêm kích J-20 Trung Quốc, vẫn theo dõi sát sao

Dù J-20 chỉ có thể mang từ 4 đến 6 quả đạn tấn công các mục tiêu trên mặt đất, nhưng hỏa lực của chiến đấu cơ này có thể được gia tăng nhờ hàng loạt UAV, với mỗi chiếc UAV có thể mang từ 4-10 quả đạn dẫn đường chính xác.

Một chiếc J-20 với một bầy UAV có thể thực hiện các nhiệm vụ như cảnh báo sớm và giám sát chiến trường. “Chúng ta vẫn cần phát triển và mở rộng các chiến lược tác chiến giữa máy bay có người lái và máy bay không người lái”, Ordnance Industry Science Technology viết.

Nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) cũng cho rằng việc sử dụng UAV cho phép một lực lượng quân sự bắt đầu các cuộc tấn công nhanh hơn và cũng có thể tiếp tục chiến đấu dù có tổn thất. “Và chúng có thể mang lại lợi thế thực sự trong tác chiến hiện đại”, SCMP dẫn lởi ông Heath nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.